Bến Tre xây dựng chuỗi giá trị gắn với nông thôn mới

Bến Tre xây dựng chuỗi giá trị gắn với nông thôn mới
Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2020, có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình tiêu chí/xã đạt 13,61 tiêu chí. Các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí; trong đó, có 4 tiêu chí "cứng" phải đạt là giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh. Đồng thời, có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Chợ Lách) và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Vốn đầu tư sẽ giúp các làng nghề truyền thống tại Bến Tre phát triển.
Ảnh: Công Trí - TTXVN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, thực hiện sản xuất theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với Chương trình ”Mỗi xã một sản phẩm” và phát triển mô hình kinh tế hợp tác. Cùng với đó, tỉnh tập trung dồn sức để các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới năm 2017 nhưng chưa đạt, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và khẩn trương hoàn thành các tiêu chí còn nợ.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông, tỉnh Bến Tre triển khai đề án xây dựng giao thông nông thôn từ nay đến năm 2020, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy vai trò chủ thể của người dân thông qua việc người dân tự vận động giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thiện phần nền hạ tầng theo tiêu chuẩn quy định.

Sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng - một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2018-2020, Bến Tre đầu tư tiêu chí số 2 về giao thông ở 117 xã xây dựng nông thôn mới với tổng chiều dài gần 245 km đường giao thông, bao gồm đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ, xóm. Tổng kinh phí đầu tư hơn 851,6 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Cao Minh Đức cho hay, hiện nay, tiến độ xây dựng nông thôn mới của các xã  trên địa bàn tỉnh còn chậm. Các công trình hạ tầng thuộc tiêu chí 2 (giao thông), 5 (trường học) và 6 (cơ sở vật chất văn hóa) triển khai chậm do nguồn vốn phân bổ kéo dài 2 - 3 năm, việc đối ứng ngân sách huyện, vận động trong dân còn hạn chế.

 Bánh phồng Sơn Đốc - một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Bến Tre.
Ảnh: Công Trí

Ngoài ra, công tác tuyên truyền đã được quan tâm thực hiện, nhưng phần lớn các xã chưa phát huy được phong trào xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư, người dân chưa chủ động thực hiện các phần việc của mình, còn ỷ lại trông chờ. Các hình thức kinh tế hợp tác tại các xã chưa phát huy được hiệu quả hoạt động, các hợp tác xã được thành lập nhưng chưa đủ quy mô hoặc chưa có hợp đồng đầu ra ổn định.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, tiến độ xây dựng hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn ở Bến Tre mặc dù có chậm, nhưng vững chắc. Đến nay, tổng số tiêu chí đạt trung bình là 11,65 tiêu chí (147 xã), trong đó có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48% so với mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2020. Đáng chú ý, thông qua việc xây dựng nông thôn mới, diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng lên một bước.
Theo Công Trí/Báo Ảnh DT&MN.vn