Bí kíp trồng cà chua đen sai trĩu giàn của nông dân phố núi
- Thứ bảy - 12/12/2015 09:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ trước đến nay, nhiều người làm nông nghiệp ở Đà Lạt vẫn cho rằng, thời tiết, thổ nhưỡng của vùng đất này không phù hợp với cây cà chua đen. Không ít gia đình nhập giống cà chua đen về trồng nhưng cây phát triển rất kém, hay bị chết. Một số hộ trồng được nhưng năng suất cây không cao, quả không có màu đen đặc trưng.
Không dễ trồng cà chua đen ở Đà Lạt?
Bà Lê Thị Huyền, ngụ tại Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt từng trồng cà chua đen vào cuối năm 2014 nhưng thất bại. Bà Huyền cho biết, gia đình bà đã trồng 50 gốc nhưng số gốc sống chỉ 30. Cây cho quả không nhiều và quả không được đen như cà chua trồng tại vườn của ông Lê Hữu Phan.
Tuy nhiên, khác hẳn với nhận định của nhiều nhà nông tại Đà Lạt, vườn cà chua đen của ông Lê Hữu Phan lại phát triển rất tốt, cho quả chi chít từ gốc đến ngọn. Khi già, tất cả quả đều chuyển sang màu đen.
“Cũng là người sản xuất nông nghiệp nhưng tôi rất khâm phục cách làm của anh Phan, nhất là trong việc trồng cà chua đen này", bà Huyền nói.
Ông Lê Hữu Phan bên vườn cà chua đen.
Ông Phan cho biết, gia đình ông chủ yếu ươm cây giống cung cấp cho các nhà vườn ở Đà Lạt. Cà chua đen được một số công ty nhập về Đà Lạt bán cho người dân trồng thử nghiệm khoảng 2 năm nay.
Gia đình ông đã cung cấp cây giống cà chua đen cho một số hộ trồng thử nhưng kết quả không thành công. Từ thực tế đó, nhà vườn ở Đà Lạt kết luận rằng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở Đà Lạt không phù hợp với loại cây này.
Mặc dù vậy, cách thành phố Đà Lạt khoảng 20 km, gia đình chị Xuân Thủy, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng lại trồng loại nông sản này lại cho kết quả rất khả quan. Do đó, để chứng minh cây cà chua đen trồng ở Đà Lạt vẫn có thể sinh trưởng, cho năng suất và chất lượng cao, vào tháng 7/2015, ông Phan quyết định dành 300 m2 đất trong vườn ươm để trồng hai loại cà chua, gồm loại đen và ngọt để so sánh.
Khi hạt hai loại này nảy mầm, ông Phan cắt ngọn ghép với gốc cà chua thường. Khi cây phát triển bình thường, đạt chiều cao khoảng 20 cm, ông đem ra trồng. Toàn bộ diện tích đều được ông Phan trồng trong nhà kính với hệ thống tưới tiêu tự động.
Cà được ông Phan trồng trên luống cao 20 cm, rộng 120 cm, dùng phân hữu cơ, đất mùn, và dùng bao nylon phủ lên bề mặt. Là nhà vườn đã có gần 30 năm kinh nghiệm làm nông, ông Phan đưa ra kỹ thuật chăm sóc cà chua đen cho riêng mình.
Cây lên cao được khoảng 40 cm so với mặt đất đều được ông cắt ngọn để đâm nhánh. Thường mỗi gốc cà chua khi cắt ngọn sẽ ra nhiều nhánh nhưng ông Phan chỉ giữ lại 2 cành to khỏe nhất cho vươn lên. Dưới mỗi gốc, người trồng sẽ cắm cây sào để cà chua dựa vào. Ngoài ra, chủ vườn còn dùng dây dù để buộc giữ cây lên cao không bị gãy đổ.
Cà chua ngọt hay đen đều được trồng trên luống cao, cố định bằng sào gỗ và dây buộc.
Kết quả cho thấy, cà chua đen tại vườn phát triển rất nhanh. Cây mập, ngọn lớn, được khoảng 50 ngày tuổi thì bắt đầu cho quả. Đến nay, nhà nông này đang sở hữu 250 gốc cà chua đen, 400 gốc cà chua ngọt trên diện tích 300 m2.
Cả hai loại đen và ngọt đều phát triển rất tốt, cho quả chi chít từ gốc lên ngọn. Thậm chí, cà chua đen còn cho quả lớn, nhiều hơn loại ngọt. Hiện tại, chiều cao của cây cà chua tại vườn ông Phan đã khoảng 2,5 m và còn tiếp tục vươn lên cao hơn nữa.
Trồng cà chua đen sai quả
Theo ông Phan, khó nhất trong trồng cà chua đen là phải nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng. Người trồng cũng cần thường xuyên trông coi, quan sát sự phát triển của cây từng ngày nhằm phát hiện mầm bệnh, đưa ra phương án điều trị khoa học ngay từ đầu. Bởi khi cây đổ bệnh thì rất khó điều trị.
Bệnh thường gặp trên cà chua chủ yếu là các loại nấm ký sinh. Việc bơm tưới nước cũng phải hợp lý, lượng vừa phải. Người trồng còn cần chú ý đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây bằng cách loại phân hữu cơ.
Cà chua đen cho quả từ gốc lên ngọn.
Ông Phan cho biết, chi phí đầu tư cho mỗi gốc cà chua đen khoảng 15.000 đồng, loại ngọt là 17.000 đồng. Trong ít ngày tới, cả hai loại này sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến giá cà chua đen là 50.000 đồng/kg, loại ngọt 40.000 đồng/kg. Mỗi gốc sẽ cho thu hoạch khoảng 5 kg quả, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng.
Anh Kiều Minh Lộc, một du khách đến từ TP HCM chia sẻ, nhân chuyến đi Đà Lạt du lịch, anh đã dẫn cả nhà tới thăm vườn cả chua độc đáo của ông Phan. Ngạc nhiên, bất ngờ là cảm xúc đầu tiên của gia đình anh Lộc khi tận mắt chứng kiến vườn cà chua sai trĩu quả và đẹp mắt này. “Rất thú vị, rất bất ngờ, rất đẹp mắt, vợ chồng tôi phải mua 1 kg về ăn thử!...”, anh Lộc nói.
Theo Dân Việt