Bí quyết kiếm trăm triệu từ nghề khai thác "mật của biển"
- Thứ bảy - 02/09/2017 01:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để ong dễ dàng di chuyển đi kiếm mật và về tổ, người chăn ong ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã chọn vị trí đặt các thùng ong tại các bụi cỏ và theo chiều gió.
Là một trong những thợ ong chuyên nghiệp thường xuyên đặt khai thác mật ong hoa sú, vẹt ở Kim Sơn, trung bình mỗi vụ ông Nguyễn Hùng Ái (42 tuổi), quê Ninh Bình kiếm được hàng trăm triệu đồng từ nghề độc đáo này. Theo ông Ái, thời điểm "vàng" để thu "mật của biển" là từ tháng 5 cho đến hết tháng 7, đây là lúc hoa sú, vẹt bắt đầu bung nở rực rỡ nhất nên việc chăn ong cũng rất thuận lợi.
"Ở giáp biển thời tiết khắc nghiệt hơn trong đất liền nên muốn khai thác mật ong được thì người chăn ong cần phải cần có những phương pháp và bí quyết, kinh nghiệm nhất định mới có thể giúp cho đàn ong của mình thích nghi và kiếm được nhiều mật nhất có thể" - ông Ái nói.
Một công nhân của ông Ái đang kiểm tra các thùng ong tại gần bãi biển Kim Sơn (Ninh Bình).
Theo ông Ái, mỗi lần đi khai thác mật hoa sú, vẹt, ông thường chọn những chỗ có nhiều bụi cỏ cao một chút, sau đó đặt tổ ong hướng vào đó nhằm giúp đàn ong định hướng được vị trí tổ. Nhiều chỗ không có bụi cỏ cao thì ông cắm sào dài 2-3m buộc bao (loại bao bì thức ăn chăn nuôi màu trắng) lên trên giống như cái cờ để giúp đàn ong định hướng được vị trí bay về. Đặc biệt, do giáp biển nhiều gió, gió to nên ông Ái thường đặt các thùng ong theo chiều gió để ong dễ dàng bay đi kiếm mật và về tổ.
Người nuôi ong nơi đây dùng các thùng xốp để đựng nước ngọt cung cấp cho đàn ong của mình.
Cũng theo ông Ái, hoa sú, vẹt thường nở nhiều vào những hôm trời mát, chúng nở hầu như cả ngày nhưng thường nở rộ vào buổi sáng và buổi chiều nên vào khoảng thời điểm đó ong sẽ kiếm được nhiều mật nhất.
"Để có được nhiều mật và chất lượng mật ngon thì yếu tố thời tiết rất quan trọng. Nếu hôm nào trời mưa nhiều hay nóng nắng quá hoa sú, vẹt nở kém sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản lượng mật. Tuy nhiên, để chăm sóc cho đàn ong của mình luôn khỏe, kiếm được nhiều mật, ngoài việc tiếp nước ngọt cho đàn ong, tôi còn thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn ong để có biện pháp hỗ trợ tốt và kịp thời nhất cho những "đứa con" của mình kiếm mật hiệu quả"- triệu phú ong tiết lộ.
Cách thu hoạch "mật của biển" cũng giống với cách thu hoạch của các loại mật khác như mật nhãn, keo... đó là thu các cầu ong và cho vào guồng quay để lấy mật.
Bà Nguyễn Thị Bảo, một thợ ong di cư quê ở Thanh Hóa cho hay:" Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì khoảng 5-7 ngày là có thể quay mật, song cũng có thời điểm thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều thì khoảng hơn 10 ngày mới thu hoạch được mật. Cách thu hoạch "mật của biển" cũng giống với cách thu hoạch của các loại mật khác như mật nhãn, keo... đó là thu các cầu ong và cho vào guồng quay để lấy mật. Riêng việc bảo quản mật cũng khá đơn giản chỉ cần tránh ánh sáng trực tiếp là được, do là mật nguyên chất nên để và sử dụng được rất lâu".
Ông Ái thu hoạch mật ong sú, vẹt bên đê biển Kim Sơn (Ninh Bình).
Theo Quân Phạm/Dân Việt.vn