'Bí quyết' xây dựng và chuyển đổi HTX kiểu mới ở Yên Thành
- Thứ hai - 23/01/2017 02:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyển biến bước đầu
Đến thời điểm kết thúc năm 2016, 100% HTX trên địa bàn huyện Yên Thành được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và vận hành theo một tư duy tinh thần mới, năng động, chủ động và hiệu quả hơn. HTX Dịch vụ nông nghiệp và điện năng Minh Thành là một ví dụ.
Đây là HTX thực hiện chuyển đổi đầu tiên của huyện nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định, từ việc chọn con người tham gia vào bộ máy mới đến việc vận động, tạo đồng thuận của cán bộ, nhân dân tham gia ủng hộ để góp vốn, trở thành thành viên của HTX...
Song cũng nhờ được chuyển đổi sớm nên sau chuyển đổi, HTX có thời gian để triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, đem lại những chuyển biến rõ nét. Cùng với việc thực hiện các dịch vụ nông nghiệp truyền thống trước đây (như giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới...). HTX còn làm thêm dịch vụ đúc ống cống, cột bê tông, tấm đan đậy nắp mương; dịch vụ ươm và cung cấp giống các loại cây ăn quả, nhất là cây cam; dịch vụ tín dụng nội bộ...
Sản phẩm cam hàng hóa ở huyện Yên Thành. Ảnh Mai Hoa |
Ông Nguyễn Công Hiển – Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX, chia sẻ: “Hoạt động của HTX bước đầu ổn định, doanh thu bình quân đạt 4 – 5 tỷ đồng/năm. Đến nay, đơn vị cũng đã hoàn thành việc trả nợ 425 triệu đồng của HTX cũ.
Đặc biệt thông qua việc thực hiện dịch vụ làm vườn ươm và cung cấp giống cây ăn quả (bình quân 2.000 – 3.000 cây ăn quả/năm) đã góp phần cải tạo vườn tạp, nhân rộng diện tích cây cam sành địa phương, tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết trong tương lai...”.
Tương tự, ở HTX nông nghiệp xã Sơn Thành, mặc dù là đơn vị mới được chuyển đổi nhưng cũng đã trăn trở để tạo ra những thay đổi, tránh “bình” mới, “rượu” cũ. Đặc biệt, với vai trò là “bà đỡ” cho người nông dân, khâu dịch vụ nông nghiệp được HTX chú trọng đảm bảo về chất lượng, và sự phù hợp về giá cả, thường thấp hơn so với thị trường.
Từ đó số lượng nông dân tìm đến HTX cung ứng tăng lên từ 30 – 40% lên 70%. Cùng với đó, HTX cũng đã vào cuộc trong việc tổ chức cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn trên đồng ruộng cho nông dân.
Cùng với HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Thành và HTX nông nghiệp Sơn Thành, hiện tại, toàn huyện Yên Thành đã thành lập mới và chuyển đổi thành công 44/44 HTX của 38 xã.
Trên cơ sở Nghị quyết số 03/NQ-HU, ngày 22/2/2016 của Huyện ủy Yên Thành về việc tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, UBND huyện đã xây dựng đề án, thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, xác định lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, đặc biệt là vai trò của cấp ủy cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Trí Hóa – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành, chia sẻ: Xác định rõ việc chuyển đổi HTX là trách nhiệm cấp ủy và chính quyền xã, Đảng ủy và UBND xã cùng ngồi lại để “tìm kiếm” người “sáng lập viên” HTX, làm sao đáp ứng được các yêu cầu: Có uy tín, năng lực và khả năng tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HTX kiểu mới.
Song song với đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia HTX, trong đó phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, gắn với tích cực đóng góp vốn cho HTX từ 3 đến 20 triệu đồng trở lên (đối với người dân từ 500.000 đến 1 triệu đồng). Còn theo đồng chí Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, song song với việc chỉ đạo, giao trách nhiệm cho cơ sở vào cuộc quyết liệt, đưa tiêu chí thi đua thành lập mới, chuyển đổi HTX vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm với mốc cuối cùng là ngày 30/12/2016, cấp huyện và cơ sở đặc biệt quan tâm định hướng hoạt động của các HTX nhằm tránh tình trạng hoạt động kém hiệu quả sau chuyển đổi hoặc “chết yểu”.
Đồng chí Nguyễn Vương Ngọc cũng khẳng định: Sau chuyển đổi, các HTX đã, đang thích ứng với cung cách điều hành, quản lý theo kiểu mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở từng cơ sở.
Những vấn đề đặt ra
Có thể khẳng định, HTX hoạt động theo mô hình cũ đã hoàn thành “sứ mệnh” trong một giai đoạn lịch sử khá dài. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới thì vai trò của HTX trước đây không còn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để có thể lấy lại niềm tin trong nhân dân khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, hướng đi của mô hình HTX ở Yên Thành được xác định là: hoạt động đa ngành, với quan điểm Đảng lãnh đạo chủ trương, đường lối; chính quyền là cơ quan quản lý, điều hành; và HTX quản lý và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Nghĩa là vai trò của HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới ở Yên Thành hiện nay sẽ tập trung tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế tại địa phương; vừa chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, các HTX vừa thực hiện các khâu dịch vụ nông nghiệp (bao gồm giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới...);
Thực hiện chức năng xây dựng các công trình trên địa bàn (từ việc hợp đồng, lập dự án, dự toán, thi công, giám sát...); Tổ chức các tổ sản xuất như tổ cơ giới hóa, tổ chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ công có nguồn thu như dịch vụ bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, nước sạch;
Thực hiện tín dụng nội bộ dưới 5 tỷ đồng. Điều này đặt ra cho các HTX cần phải nỗ lực vươn lên, mạnh dạn đổi mới trong tư duy điều hành và quản lý để tạo ra sự chuyển biến trong mọi hoạt động.
Sản xuất nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Mai Hoa |
Theo đồng chí Trần Khánh Tùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Thành: Trên cơ sở bộ máy của HTX hiện có, cần tiếp tục kiện toàn, kết nạp thêm cổ đông để tranh thủ được trí tuệ, tư duy kinh tế, năng động, sáng tạo trong hoạt động của HTX; đồng thời bổ sung thêm nguồn lực cho HTX hoạt động.
Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ sự trăn trở làm sao để các HTX kiểu mới hoạt động giống như một doanh nghiệp trong việc xây dựng, tạo ra chuỗi hàng hóa, từ việc định hướng sản xuất, cung ứng giống, phân bón, trang bị về kỹ thuật đến thu mua và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là ruộng đất còn quá manh mún, đòi hỏi chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề quy hoạch vùng sản xuất, đưa ra cơ chế, tạo cơ sở pháp lý để các HTX mạnh dạn thực hiện, đồng thời tạo được sự đồng thuận của người nông dân có đất.
Cùng với đó, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận được các nguồn vốn, hiện tại vốn pháp định theo điều lệ của một số HTX chỉ trên dưới 1 tỷ đồng. Và đòn bẩy quan trọng nhất để các HTX hoạt động hiệu quả là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở, nhất là đối với việc xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất, dịch vụ phù hợp với thực tế của địa phương.