Bình Định: Hiệu quả bất ngờ từ mô hình nuôi cá chạch đồng tại huyện miền núi Vân Canh

Bình Định: Hiệu quả bất ngờ từ mô hình nuôi cá chạch đồng tại huyện miền núi Vân Canh
Vân Canh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, phong trào nuôi cá nước ngọt đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong huyện. Vì vậy, việc đưa vào nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao là yêu cầu cấp thiết để tạo bước đột phá về hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, đồng thời bổ sung sản phẩm hàng hóa đa dạng cho người dân nơi đây.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh thực hiện thành công mô hình “Nuôi thương phẩm cá chạch đồng trong ao đất”, nhằm chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chạch đồng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của việc nuôi đa dạng hóa các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Mai xuân Ba, thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển.

Được sự hỗ trợ kinh phí mua con giống, thức ăn và sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định, ông Ba đã tiến hành thả 20.000 con giống cá chạch đồng, kích cỡ 5 cm/con) trên diện tích ao nuôi 500 m2. Trong quá trình thực hiện mô hình, ông Ba luôn tìm tòi, học hỏi và tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên cá sinh trưởng, phát triển nhanh, không thấy xuất hiện bệnh. Sau 5 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 40 con/kg, năng suất ước đạt 9,5 tấn/ha; với giá cá chạch thương phẩm hiện nay khá cao, người nuôi ước lãi khoảng 32.000.000 đồng trên diện tích 500 m2.

 

Sau 5 tháng nuôi, cá chạch đạt kích cỡ thương phẩm 40 con/kg

 

Tại Hội thảo tổng kết đánh giá kết quả mô hình, hầu hết các hộ dân tham quan ao nuôi đều đánh giá đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người nuôi, phù hợp với điều kiện ao nuôi tại địa phương. Đặc biệt, đối với các xã miền núi huyện Vân Canh, đây là một hướng đi thiết thực nhằm giúp cho người đân chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Mai Xuân Ba cho biết: Đây là mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nuôi không thấy xuất hiện bệnh, cá lớn nhanh và tỷ lệ sống khá cao (95%). Vì vậy, việc nuôi cá chạch đồng thực sự là giải pháp tiềm năng thay thế cho các giống cá nước ngọt truyền thống khác.

      Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định
http://www.khuyennongvn.gov.vn