Bình Định: Tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm: Giữ vệ sinh & ứng dụng tiến bộ KHKT
- Chủ nhật - 15/03/2020 23:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Trịnh Văn Hay, ở thôn Tường Sơn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn là người chuyên nuôi vịt thịt. Mỗi năm ông Hay nuôi 3 lứa vịt (2.000 con/lứa), khoảng 2,5 tháng là xuất bán, thu nhập hơn 30 triệu đồng/lứa. Ông Hay kể: “Đầu tiên tôi hết sức chú trọng chọn con giống. Khi nuôi mình chú trọng thực hiện tốt các khâu khử trùng chuồng trại, tiêm phòng các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn vịt. Chăn nuôi bây giờ mà chỉ cậy vào kinh nghiệm là dễ thất bại lắm, phải lắng nghe các hướng dẫn của ngành chức năng về phòng ngừa dịch bệnh, chịu khó học và áp dụng các kỹ thuật mới. Đàn vịt của tôi phát triển tốt, ít bị mắc bệnh là nhờ tôi kết hợp cả kinh nghiệm và tiến bộ KHKT”.
“Bình Ðịnh có nhiều tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi; đặc biệt, tiềm năng phát triển gà ta giống thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa. Tỉnh cần có định hướng giảm trồng trọt, phát triển chăn nuôi gà, bò. Chỉ cần Bình Ðịnh chọn chuyên nuôi gà, bò theo hướng lựa chọn đặc sản để phát triển sẽ đóng góp vào bức tranh chung ngành Nông nghiệp của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phát triển bền vững”.
Nhiều nông hộ đầu tư trang trại, kết hợp mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Ngô Văn Hòa, ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước nuôi hơn 5.000 con gà ta; trong đó, có hơn 2.000 con gà cho trứng, 1.000 con gà nuôi hậu bị, 2.000 con gà tơ. Trung bình mỗi năm ông Hòa lãi gần 200 triệu đồng từ nghề nuôi gà. Ông Hòa chia sẻ: “Muốn nuôi gà hiệu quả thì mình phải biết áp dụng KHKT, thực hiện nghiêm túc các quy trình trong chăn nuôi. Trại gà của tôi rộng 5.000 m2, chia thành 2 khu chuồng với nhiều khu ngăn nuôi nhốt, được trang bị hệ thống máng chứa thức ăn, nước uống, hệ thống điện. Nền chuồng được trải đệm lót sinh học để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tất cả đúng theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn!”.
Còn ông Trần Đình Tiến, ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước chuyên nuôi vịt đẻ trứng, gà thịt, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi vịt thả đồng; nuôi kiểu này tiết kiệm được một lượng thức ăn khá lớn, nhưng vịt dễ nhiễm bệnh. Đàn vịt mà mắc bệnh thì thiệt hại còn lớn gấp mấy lần cái lợi tiết kiệm thức ăn. Nay tôi dùng lưới vây lại khoảnh ao trước nhà để nuôi nên dễ kiểm soát, phòng bệnh. Mỗi năm, tôi nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ trứng và hơn 1.500 con gà thịt. Nhờ chủ động tiêm vắc xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại nên đàn gà vịt của tôi phát triển tốt, mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng”.
Nét chung của những người chăn nuôi thành công có thể gói gọn trong mấy điểm chính: Đầu tư tốt cho con giống, thực hiện đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, tích cực học hỏi và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi một cách phù hợp, sáng tạo. Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT), năm 2019, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 8,2 triệu con, tăng 6,2% so với năm 2018; trong đó đàn gà khoảng 6,2 triệu con, đàn vịt 2 triệu con. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Huỳnh Ngọc Diệp, cho hay: “Tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là thực hiện quy định về khoảng cách chăn nuôi, khai báo chăn nuôi, chuyển quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung; hình thành các nhóm, tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm, liên kết với DN trong chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi”.
Cuối tháng 2.2020, khi đến thăm cơ sở sản xuất gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, huyện Tuy Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, chia sẻ: Từ những thành công của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, tỉnh sẽ xây dựng đề án phát triển chăn nuôi khép kín; trong đó, Công ty Minh Dư sẽ cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi và mua gom lại sản phẩm của người dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người chăn nuôi. Tỉnh cũng sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, sản phẩm có chất lượng cao để thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.