Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, ngành nông nghiệp của huyện Bình Liêu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến bất thường của thời tiết. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định khiến nông dân không khỏi lo lắng trong việc đầu tư sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp của huyện đã kịp thời có những giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Trong đó, việc ưu tiên xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp… đã giúp diện tích cây trồng không ngừng được mở rộng.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, hiện nay diện tích gieo trồng trên địa bàn toàn huyện có trên 1.800 ha, trong đó diện tích cấy lúa mùa là trên 1.400 ha. Một số cây nông nghiệp chủ lực khác cũng được huyện quan tâm như: Diện tích cây ngô 12,8 ha; cây khoai 92,4 ha; cây đậu tương 82,9 ha; cây lạc 31,3 ha; các loại rau trồng được trên 140 ha. Riêng đối với cây dong riềng năm 2018 tăng 87,17ha.
Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, huyện Bình Liêu đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho các xã, thị trấn bảo đảm kế hoạch. Huyện còn khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ. Chủ trương này mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi có nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, người dân địa phương có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định. Trong năm 2018, tổng sản lượng gỗ rừng khai thác được trên 1.000 m3 gỗ keo; khai thác sản phẩm phụ như quế vỏ đạt 145 tấn; nhựa thông đạt 109 tấn, hoa hồi đạt 75 tấn.
Sản xuất miến dong tại Hợp tác xã Đình Trung của gia đình CCB La A Chiu, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.
Trao đổi với đồng chí Hoàng Xuân Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được biết: Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về Chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm trong đó chương trình phát triển cây lâm nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND huyện Bình Liêu có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng sản xuất; tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng rừng sản xuất, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, UBND huyện còn ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước huy động nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo trong nông thôn. Đồng thời chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, tạo điều kiện cho chủ sử dụng đất chủ động kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp. Từ đó, kinh tế lâm nghiệp được nhân dân địa phương chú ý đầu tư phát triển, từ đó khai thác được tiềm năng đất đai mà từ trước đến nay chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Từ phong trào trồng rừng đã tạo nên chuyển biến trong ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế ngay trên vùng đất trống đồi núi trọc.
Cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trên địa bàn huyện Bình Liêu còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay toàn huyện có gần 5.000 con trâu, 2.365 con bò, trên 3.300 con dê...
Đồng chí Tô Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng vật nuôi, để các sản phẩm của lĩnh vực chăn nuôi có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân trong tỉnh và thị trường ngoài tỉnh, trong thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tạo tiền đề để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa kết hợp với phát triển những sản phẩm, đối tượng vật nuôi có tiềm năng và lợi thế của địa phương; Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh; Kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở chăn nuôi theo quy định.
CCB Lương Văn An, xã Đồng Tâm với mô hình nuôi lợn cho thu nhập cao.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải theo quy định; Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến, để tạo sự ổn định về giá cả, nguồn hàng hóa và tạo thương hiệu cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường; Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, sản phẩm động vật không đảm bảo chất lượng lưu thông trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Song song với việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, huyện rất quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, những sản phẩm trên địa bàn sản xuất ra đã được thị trường trong và ngoài huyện chấp nhận. Kết quả đó đem lại nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều sản phẩm nông sản của Bình Liêu đã có mặt trên nhiều tỉnh của thành phố. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện còn 840 hộ (11,35%); hộ cận nghèo còn 1.250 hộ (16,89%).
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Bình Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả, cụ thể. Cùng với việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. Đồng thời, chú trọng thực hiện chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; phát triển đời sống người nông dân trên địa bàn toàn huyện./.
Nguyễn Văn Điệp
http://www.quangninh.gov.vn/