Bình Phước: Nỗ lực vượt khó của anh Phạm Văn Lai

Bình Phước: Nỗ lực vượt khó của anh Phạm Văn Lai
Địa bàn xã Quang Minh, huyện Chơn Thành có nhiều hộ gia đình trồng ổi để phát triển kinh tế, tuy nhiên mô hình ổi Đài Loan của anh Phạm Văn Lai đã cho hiệu quả kinh tế nổi bật với những trái ổi có chất lượng ngon, ngọt hơn so với những hộ dân quanh vùng. Trung bình mỗi tháng gia đình anh thu về về 15-20 triệu đồng tiền lãi từ việc bán ổi.

Nằm giữa những rẫy cao su trong giai đoạn kinh doanh, khu vườn của gia đình anh Phạm Văn Lai ở ấp Sóc Ruộng, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành nổi bật lên bởi những dòng mương nước trong vắt bao quanh, chính giữa là những cây ổi sai quả đang vào độ chín khiến những ai đi ngang qua cũng trần trồ, thích thú. Ghé thăm khu vườn của gia đình anh trong sự đón tiếp bình dị của những người nông dân chân chất, tìm hiểu về quá trình làm vườn mới thấy sự cố gắng của anh và gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi anh tâm sự, năm 2006 gia đình anh rời Thanh Hóa vào Bình Phước lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng xin vào làm thuê cho trang trại ổi của ông chủ người Đài Loan. Làm nhiều rồi anh cũng có chút kinh nghiệm để chăm sóc loại cây ăn trái này và lâu dần dần anh quyết định nhận làm khoán cho ông chủ để tăng thu nhập. Nhưng khi giá ổi xuống thấp ông chủ vẫn quyết giữ phần phân chia như lúc ổi đang được giá khiến lời lãi chẳng bao nhiêu. Với số tiền tích góp được anh bàn với vợ vay mượn thêm để mua đất rồi tự làm, may ra mới khá lên được.

Tuy nhiên, anh lại chọn mua một mảnh đất cao su vùng trũng lại không có sổ đất. Mọi người can ngăn cho rằng anh sẽ không thể làm được trên mảnh đất này nhưng anh vẫn không thay đổi ý định. Mua đất xong thì không còn tiền, anh liền đi làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu đất để có cơ sở vayngân hàng làm kinh tế.

Sau khi đã vay mượn, năm 2014 anh đầu tư 100 triệu để móc ao bồi cho 7 sào đất và đầu tư trồng 400 gốc ổi. Với kinh nghiệm sẵn có chỉ 8 tháng ổi cho thu hoạch lứa đầu tiên, 16 tháng sau ổi cho thu chính và đến nay cây đã được hơn 2 năm và cho thu hoạch ổn định. Trung bình mỗi tháng anh thu 3-4 tấn ổi, với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về từ 15-20 triệu đồng. Ổi được thu hoạch quanh năm, còn đầu ra tương đối ổn định lúc nào cũng có thương lái đến tận vườn thu mua. Hàng ngày các chủ hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng và đến lấy.

Thời gian chúng tôi tới thăm vườn vào giữa mùa mưa nhưng trái ổi của gia đình anh vẫn giữ được vị ngọt đậm mà không bị nhạt và xốp như đa số các loại ổi bán ở chợ. Bí quyết của anh là hành tuần, tùy vào lượng trái trên cây để anh bón phân, anh thường sử dụng phân bón NPK 20:20:15 và bổ sung thêm kali để tăng chất lượng trái. Trái cây cũng ít bị sâu bệnh do anh đã bao trái từ khi trái còn nhỏ. Cách làm này đã được đa số nông dân trồng cây ăn trái áp dụng giúp phòng sâu hại nhất là ruồi vàng chích hút gây thối trái, đồng thời ít ảnh hưởng tới trái khi phun xịt các loại thuốc BVTV.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng và sức lao động của mình, anh vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Anh dự định sẽ tiếp tục trồng thêm ổi trên phần đất còn lại của gia đình. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả cho những hộ gia đình ít đất sản xuất, tuy nhiên bà con cần lưu ý tới đầu ra cho sản phẩm để có những lựa chọn phù hợp. 

 

Anh Phạm Văn Lai đang chuẩn bị thu hoạch ổi

Vũ Hường/ khuyennongvn.gov.vn