Bình Thuận: Tiến bộ và hạn chế trong chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

Trước áp lực hạn hán ngày càng xảy ra gay gắt, lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây lúa đã trở nên khó khăn, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tái cơ cấu cây trồng, trước mắt là chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nếu sản xuất lúa không hiệu quả do thiếu hụt nguồn nước.
Bình Thuận: Tiến bộ và hạn chế trong chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

Thực hiện chủ trương này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa làm vụ đông xuân, do vụ này thường xảy ra thiếu nước. Triển khai thực hiện, vụ đông xuân 2014 – 2015 các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân đã chuyển đổi 3.426 ha đất lúa sang trồng các loại cây khác. Cụ thể chuyển đổi sang trồng bắp 2.577 ha, rau, đậu các loại 666 ha, mè và đậu phụng 151 ha và cây trồng khác 32 ha. Ở vụ hè thu chuyển đổi 495 ha đất lúa sang trồng bắp và rau các loại ở hai huyện Tánh Linh, Hàm Thuận  Bắc.

Qua thực hiện chuyển đổi, nét tiến bộ đầu tiên là chuyển đổi vượt kế hoạch dự kiến trong vụ đông xuân 1.372 ha. Các địa phương chuyển đổi mạnh nhất là Tánh Linh (2.050 ha), Đức Linh (1.175 ha), cây trồng chuyển đổi chủ lực ở hai huyện này là cây bắp với diện tích 2.565 ha tăng gấp 3,3 lần so năm trước. Có được con số này, ngoài yếu tố tuyên truyền, cây bắp còn là cây trồng truyền thống trên đất lúa vụ đông xuân để bà con nông dân tăng thu nhập, giảm lệ thuộc nước thủy lợi. Ngoài ra thêm yếu tố quan trọng là trồng bắp tăng thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Đồng thời thị trường tiêu thụ bắp khá ổn định nhờ Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japha tại Đức Linh có công suất trên 100.000 tấn/năm. Các nhóm cây trồng khác như rau, đậu các loại, mè cũng cho thu nhập khá nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương, ít có đột biến đầu ra nên chuyển đổi ở mức trung bình với diện tích trên 700 ha.

Có thể ghi nhận sự chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ngày càng có sự chuyển động đáng mừng, hiệu quả sử dụng đất được nâng lên nhưng sự chuyển đổi chưa đều ở các địa phương; cụ thể ở Bắc Bình, Tuy Phong dường như ít chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Phải chăng do chưa có mô hình cây trồng phù hợp, hiệu quả và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hoặc có mô hình nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thuyết phục được nông dân bởi khâu chế biến nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chưa có. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư giống cây trồng mới vẫn chỉ là phát động.

Nguồn: báo Bình Thuận