Bỏ nghề tóc, trờ thành nông dân "xịn" và xuất thẳng cam vào Vinmart
- Thứ tư - 20/09/2017 00:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
6ha đất trồng cam Vinh, chanh đào giúp 7 thành viên hợp tác xã Tứ Đại (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) cải thiện kinh tế (ảnh: Báo Quảng Ninh)
Đứng đầu hợp tác xã Tứ Đại (khu 9, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ), anh Đỗ Minh Hải, người từng gắn bó nhiều năm với nghề làm tóc và phun xăm thẩm mỹ. Nhận thấy cây có múi trồng trên đất Hoành Bồ thường sai quả, anh Hải mới nảy ra ý định trồng thử chanh, cam để có thêm thu nhập kinh tế.
Năm 2014, anh Hải lặn lội lên Hà Nội mua giống cam Vinh và cam đường canh chất lượng về trồng thử. Sau gần một năm chăm sóc, cây nào cũng đơm hoa ra trái sai quả, mã đẹp. Tín hiệu khả quan từ vụ mùa đầu tiên thôi thúc anh mở rộng diện tích vườn trồng cây có múi.
Năm 2015, anh quyết định rủ thêm các hộ khác ở Quảng Ninh và nhà vườn ở Bắc Giang, Hưng Yên thành lập hợp tác xã Tứ Đại. 7 thành viên cùng góp vốn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật canh tác cũng như tìm kiếm đầu ra sản phẩm.
Hiện nay, hợp tác xã có 6ha trồng cây có múi. 3ha canh tác cam Vinh, còn lại dành cho bưởi, chanh đào, xen kẽ ổi lê... Năm 2016, 7 thành viên thu hoạch được 30 tấn cam Vinh, nhập bán hoàn toàn cho hệ thống siêu thị Vinmart với giá cao 33.000 đồng mỗi kg.
Toàn bộ 6ha trồng đều sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép (Bizmedia)
Chanh đào bói quả cho sản lượng ít hơn. Sau khi thu hái, hợp tác xã nhập bán cho các đầu mối tại thị trường phía Nam với giá 20.000 đồng mỗi kg. Đối với giống bưởi da xanh, bưởi Diễn thời gian tới mới bắt đầu cho thu hoạch.
Toàn bộ 6ha trồng đều sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Anh Hải xây các bể ngâm đỗ tương, bể ngâm cá, bể trộn hai loại trên lại làm phân bón hữu cơ. Sau đó, nguồn dinh dưỡng đi vào hệ thống nước tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây trên sườn đồi.
Anh Hải cho biết, anh nhận được hỗ trợ lớn từ địa phương khi thành lập hợp tác xã và phát triển vườn trồng cây có múi. Năm 2016, anh hưởng chế độ ưu đãi vốn vay. Theo chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020, Phòng tài chính huyện hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng.
Thêm vào đó, cán bộ chuyên trách của huyện thường xuyên xuống hỗ trợ kỹ thuật canh tác, cách thức quản lý nên 7 thành viên trong hợp tác xã càng có động lực làm kinh tế.