"Bỏ túi" hàng tỷ mỗi năm nhờ vật nuôi... rất bình dân
- Chủ nhật - 24/07/2016 10:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mừng rơi nước mắt khi cầm những đồng tiền đầu tiên
Theo thông tin trên báo Chính phủ, anh Nguyễn Sỹ Luận (sinh năm 1985) khởi nghiệp làm trang trại nuôi lợn từ năm 2006 với những bước đi được xem là rất táo bạo.
7 năm sau, anh đã kiến tạo một tranng trại có quy mô lớn thuộc loại nhất nhì Thành phố Hà Nội, khiến nhiều người phải mơ ước với tổng giá trị lên đến vài chục tỷ đồng.
Từ một nông dân thuần túy, đến nay anh đã trở thành Giám đốc Công ty cổ phần và phát triển Bình Minh đóng tại Mỹ Đức, Hà Nội sau gần 10 năm lập nghiệp.
Anh được bầu chọn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2013 (phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt trên nhiều lĩnh vực).
Chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ & Đời sống, anh Luận kể rằng ngày mới lập nghiệp, khi đó anh tròn 20 tuổi. "Học xong cấp 3, như mọi thanh niên khác, tôi nộp hồ sơ thi đại học. Năm đầu tiên, do học hành chểnh mảng, tôi chỉ trúng trung cấp kế toán.
Lúc bạn bè nô nức nhập học đại học, tôi xấu hổ lắm. Sau này, tự thấy mình kém cỏi, học xong trung cấp phải nỗ lực học liên thông lên đại học tại Đà Nẵng.
Lúc đó, tôi chỉ mơ ước ra trường xin được việc làm mới mức lương ổn định, tôi sẽ lập gia đình và cầu mong có một cuộc sống an nhàn. Thế là đã quá hạnh phúc"...
Nhưng khi ra trường trở về nhà, chàng trai trẻ lại nhìn thấy những khả năng có thể giàu kếch xù ngay tại những thửa đất hoang hóa quê mình.
Từ bỏ ước mơ làm công chức Nhà nước, anh Luận cùng với bố bắt tay vào lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Anh quyết tâm xin UBND xã thầu lại 10ha đất bỏ hoang để xây dựng chuồng trại nuôi lợn.
Tiếp đó, anh dồn toàn bộ tiền tích cóp trong gia đình, vay thêm bạn bè, "cắm" sổ đỏ thế chấp ngân hàng lấy vốn gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn, thuê 10 nhân công và nuôi 500 con lợn.
Đầu năm 2006, một trang trại có quy mô lớn, hiện đại đã mọc lên giữ vùng đất bạc màu, xung quanh toàn là ruộng lúa nhờ đôi tay và quyết tâm của chàng trai trẻ.
“Thời bấy giờ, ở quê tôi gần 1 tỷ đồng là lớn lắm, khi thấy tôi mang cả đống tiền to ném vào việc nuôi lợn, nhiều người trong làng lắc đầu, nghĩ tôi sẽ thất bại.
Nhưng nếu ngày ấy, tôi không mạo hiểm thì không có trang trại như ngày hôm nay”, anh Luận kể lại trên báo Chính phủ.
Chính cái quyết định táo bạo của anh mà nhiều người trong làng gọi là “liều” đã giúp xã Phù Tế có một trang trại nuôi lợn thuộc loại lớn nhất nhì thành phố Hà Nội và có lẽ là cả miền Bắc.
Khi đó, anh Luận áp dụng phương pháp nuôi lợn trong lồng kính, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh và phương pháp chăn nuôi theo hướng sinh học.
Nhờ có khoa học can thiệp, lợn của anh Luận bán luôn có lãi. Có thêm vốn, anh lại tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại.
"Năm 2007, tôi có được những đồng tiền đầu tiên với doanh thu là 300 triệu/6 tháng, lợi nhuận mang lại từ các chuồng lợn được gần 200 triệu trong vòng 6 tháng...
Lúc ngồi đếm số tiền lãi thu được, tôi đã mừng rơi nước mắt, quên hết những nhọc nhằn trước đó.
Cũng nhờ vậy mà tôi càng hạ quyết tâm mở rộng diện tích chuồng trại để trở thành tỷ phú trẻ đầu tiên nhờ nuôi lợn ngay tại quê hương mình", anh Luận xúc động nhớ lại khi trao đổi với Tuổi trẻ & Đời sống.
Quyết định khiến anh thấy mình liều nhất là xây thêm chuồng lợn lái với số lượng 1200 con, hết 17 tỷ đồng.
Dù vậy, cũng có nhiều lúc anh Luận đã bị… mất trắng. Anh kể lại trên tờ Zing: “Năm 2008, do vật nuôi bị dịch bệnh nên trang trại của gia đình đã mất thu nhập trong 3 tháng.
Năm 2009, trận lũ lụt lịch sử của Hà Nội đã khiến tôi mất toàn bộ số cá trong đầm và cây trồng bị đổ, ngập úng”.
Có người trả 100 tỷ mua trang trại vẫn không bán
Hiện nay, anh Luận đã có trong tay trang trại với quy mô tổng diện tích 70.000 m2, trong đó diện tích chuồng trại là 12.600 m2 với tổng số 5.700 con và diện tích ao thả cá là 11.000 m2.
Kinh phí đầu tư anh bỏ ra là trên 30 tỷ đồng, hàng tháng cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn lợn hơi, đoạt doanh thu trên 9 tỷ đồng/1 năm, có lợi nhuận 3 tỷ đồng/1 năm, giải quyết việc làm ổn định cho 45 lao động.
Là một giám đốc nhưng anh Luận đảm nhiệm mọi công việc từ lao động chân tay cho đến chiến lược cần đầu óc.
Mặc dù mỗi năm thu về lợi nhuận 3 tỷ đồng nhưng anh Luận vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi vẫn ở trong một ngôi nhà bình thường. Tôi chỉ mới sắm được một chiếc ô tô con để tiện đi lại và xây được nhà thờ cho ông bà nội, chưa có tiền để tiêu hoang phí”.
Anh kể lại trên tờ Zing, năm 2010, khi gia đình vừa xây dựng xong trang trại lợn lái đã có rất nhiều công ty trả giá cao để mua lại với mức 50-100 tỷ đồng.
Mặc dù nghĩ rằng, số tiền này phải đến 20 năm sau mới có thể làm được nhưng anh đã quyết định không nhượng lại.
Bởi anh quan niệm: “Đồng tiền kiếm được dần dần, do sức lao động của mình mới có giá trị. Còn đồng tiền có ngay trong tay thì thì cũng sẽ rất dễ mất. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận với quyết định này”.
Theo Soha