Bức tranh tín dụng nông nghiệp hai mảng màu ở Bắc Giang
- Thứ tư - 26/07/2017 23:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bức tranh hai mảng màu sáng – tối trong tín dụng cho nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang đang hiển hiện.
Nhà nông tính chuyện đầu tư lớn
Lục Ngạn nổi tiếng với cây vải thiều truyền thống, bởi vậy việc mạnh dạn thay thế bằng một cây trồng nhập từ địa phương khác là cả một bài toán cơm - áo - gạo - tiền. Như trường hợp anh Nguyễn Duy Tuấn ở xã Thanh Hải thành công nhờ sự táo bạo chuyển đổi cây trồng. 5ha trồng cam Canh và bưởi Diễn đã cho gia đình anh thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ năm 2012 đến nay.
Vùng cây ăn quả Lục Ngạn không khó để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng |
“Ở Lục Ngạn hiện có hàng trăm hộ nông dân thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Riêng mô hình trang trại cây ăn quả cho thu nhập từ hơn 100 triệu đồng/năm, toàn huyện Lục Ngạn có gần 8.000 hộ. Ngoài thiên nhiên ưu đãi, thì điều làm nên một vùng đất có nhiều nông dân triệu phú và tỷ phú này chính là đồng vốn tín dụng”, ông Chu Văn Báo, Phó Chủ tịch HĐND huyện, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Mộc (Lục Ngạn), trong cuộc trò chuyện với PV, luôn nhắc đến việc dễ dàng tiếp cận với đồng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ông Hiền nhận xét, các thành viên HTX nói riêng và người trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Tân Mộc nói chung “chỉ sợ không dám vay vốn làm ăn”, chứ tiền ngân hàng hiện vay quá dễ.
“Ngay như gia đình tôi có 14ha đất rừng đã được chuyển đổi thành đất trồng cây lâu năm, nếu vay vốn bằng tín chấp, mỗi chu kỳ ngân hàng có thể cho tôi vay đến 200 triệu đồng. Nhưng vay bằng hình thức thế chấp thì còn được nhiều hơn”, ông Hiền cho hay.
Cũng theo ông Hiền, trong 7 thành viên của HTX hầu hết đều nhờ đồng vốn của ngân hàng để đầu tư mua giống, phân bón và thuê nhân công chăm sóc vườn cây. Hộ anh Nguyễn Văn Chính (sinh năm 1968) được giao 10ha đất rừng từ năm 1995. Anh vay tiền ngân hàng đầu tư trồng cây vải thiều. Bước sang năm thứ tư, số tiền thu được từ vụ mùa vải đủ mua hơn chục tấn thóc và trả nợ đã vay. Lúc này anh mới thấy tin tưởng sự đầu tư của mình là đúng đắn.
Nhiều người dân thấy gia đình anh Chính ngày một khấm khá nhờ trồng cây vải thiều đã kéo đến học tập kinh nghiệm. Song chính họ cũng khá bất ngờ lẫn xót xa khi thấy vợ chồng anh chặt bỏ cây vải thiều để chuyển đổi sang trồng cây cam Canh vào năm 2007. Anh chia vườn ra làm đôi, phá một nửa, giữ lại một nửa lứa vải thiều đang độ ra hoa. Năm sau anh chuyển đổi số diện tích đất còn lại, và nhờ trồng bằng cây đã gieo ươm nên chỉ sau hai năm lứa cam Canh đã cho quả. Vượt ngoài mong đợi, năm đầu thu hoạch cam đã giúp gia đình anh đủ hòa mức đầu tư.
Không tài sản bảo đảm
Trái ngược với việc dễ dàng vay vốn của các hộ dân trồng cây ăn trái của Lục Ngạn, các trang trại chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất khó tiếp cận nguồn vốn nhà băng. HTX Nông nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang) là một ví dụ.
Được thành lập năm 1998 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 400 triệu đồng. Tuy nhiên, HTX này mới chỉ thực hiện được 3/5 lĩnh vực đăng ký hoạt động gồm thủy nông, nông nghiệp và xây dựng, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng vì không có vốn. Nhiều lần đại diện HTX bày tỏ nguyện vọng vay vốn nhưng không được các ngân hàng chấp thuận do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi vậy, sau 19 năm hoạt động, lĩnh vực dịch vụ tín dụng nội bộ và môi trường vẫn không thể triển khai.
Hay như hộ SX cá thể là ông Tô Hiến Thành ở thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa), là chủ trang trại lợn hữu cơ đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Năm 2000, gia đình ông thuê thầu khu đất 3,5ha của thôn với thời hạn 30 năm. Nhờ nuôi lợn sạch, tìm được đầu ra, SX kinh doanh có gia đình đã có lãi.
Tuy nhiên, để mở rộng SX, ông Thành bắt buộc phải tìm đến vốn vay. Nhưng hợp đồng thuê đất cũng như tài sản trên khu đất của gia đình ông lại không được thế chấp để vay vốn, vì khu đất đó không có sổ đỏ.
“Do không vay được vốn của ngân hàng, vì thế chúng tôi phải vay ngoài với lãi suất rất cao, trong khi lãi suất của ngân hàng chỉ 0,7% mỗi tháng (8,4%/năm), thì do phải sử dụng tín dụng “đen”, nên tôi mất 2-3% tiền lãi mỗi tháng (tức 24-36%/năm). Do đó rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế trong nông nghiệp”, ông Thành cho hay.
Được biết, toàn tỉnh Bắc Giang có 495 HTX, trong đó có 300 đơn vị hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là công nghiệp, tín dụng, vệ sinh môi trường và chợ. Phần lớn HTX có nhu cầu vay vốn nhưng gặp trở ngại khi tiếp cận với ngân hàng và các kênh hỗ trợ vốn khác do không có tài sản bảo đảm. Hiện mới có 5/15 ngân hàng cho các đối tượng thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể vay với dư nợ ước đạt hơn 145 tỷ đồng.
Muốn vay vốn từ các ngân hàng phải bảo đảm đủ các chứng nhận gồm: Hoạt động kinh doanh hiệu quả, đúng luật HTX, có hệ thống quản lý, kế toán và quan trọng nhất là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh mới có 51 HTX được cấp sổ đỏ hoặc thuê lâu dài. Số còn lại do chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nên không có cơ hội ký được đơn hàng lớn, giá trị kinh tế cao.
Nhận thấy việc thiếu vốn và khó tiếp cận với nguồn tín dụng là tình trạng chung của hầu hết các HTX, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đề nghị đơn vị này chỉ đạo hệ thống Ngân hàng NN- PTNT trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho HTX vay vốn, nhất là trong khâu định giá tài sản thế chấp.
+ Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng Ngân hàng NN- PTNT đã chiếm hơn 70%. “Một trong những nguyên nhân khiến tổng dư nợ đạt cao, hầu như không có nợ xấu là do các ngân hàng nhìn thấy tiềm năng của vùng cây ăn quả. Ngoài ra, trên địa bàn huyện của có rất nhiều chi nhánh của các tổ chức tín dụng nên tính cạnh tranh cao, thủ tục và tiến độ giải ngân ngày càng được rút ngắn”, ông Năm nhận xét. + Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Giang cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hóa các hoạt động tín dụng ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để người SX và các tổ chức kinh tế ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển SXKD, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. |