Bước ngoặt “nâng chất” xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 10/04/2018 19:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đoàn đại biểu dự Hội nghị tới thăm HTX nông sản an toàn xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình)
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự, chỉ đạo hội nghị. Được biết, đến hết quý I, cả nước có 3.289 xã (36,84%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 220 xã (2,47%) so với cuối năm 2017 và tăng 929 xã (10,4%) so với cuối năm 2016.
Xử lý dứt điểm nợ đọngTheo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối NTM TƯ, bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã, tăng 0,07 tiêu chí so với cuối năm 2017, tăng 0,78 tiêu chí so với cuối năm 2016; còn 121 xã dưới 5 tiêu chí, giảm so với cuối năm 2016.
Có 49 đơn vị cấp huyện thuộc 26 tỉnh, TP được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tăng 6 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017, tăng 19 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2016), trong đó, có 12 huyện đã được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM. “Các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tiễn, đảm bảo chất lượng, đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, như phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, tổ chức lại sản xuất, môi trường và văn hóa cộng đồng...
Cùng đó, các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương.
Đến hết 31/1/2018, toàn quốc đã có 26/63 tỉnh không nợ đọng xây dựng NTM. Trong đó, năm 2017 có thêm 11 địa phương báo cáo đã xử lý hết nợ. Đến nay, tổng số nợ đọng còn khoảng 4.943 tỷ đồng, giảm 10.284 tỷ so với thời điểm 31/01/2016; giảm 4.872 tỷ so với thời điểm ngày 31/01/2017”, ông Tiến cho hay.
“Nâng chất” xây dựng NTMMục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2018 đặt ra là phấn đấu đến hết năm nay, có ít nhất 39% (khoảng 3.500 xã) đạt chuẩn NTM, tăng 5% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí so với 2017... Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Minh Tiến, cần ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển SX theo chuỗi giá trị, nhất là SX nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân một cách bền vững.
Các địa phương cần khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị và nhanh chóng tổ chức triển khai Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” giai đoạn 2018 - 2020 ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế mỗi vùng, miền. “Ngoài ra, ngay trong năm 2018, các địa phương tập trung vào hình thành hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP, ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm; chủ động lựa chọn ít nhất 1 huyện để chỉ đạo thí điểm”, ông Tiến đề nghị.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối TƯ, cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách xây dựng NTM để thúc đẩy đổi mới các hình thức tổ chức SX nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX. Trong đó, tập trung hoàn thành và tổ chức thực hiện Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả...
Trong thời gian tới, cần chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý, giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống.
Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa”; cần đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 02 dự án nước sạch đặc thù và 01 dự án xử lý chất thải rắn cũng như các dự án do địa phương đề xuất.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình MTQG xây dựng NTM. Các địa phương khẩn trương xây dựng đề án huyện NTM kiểu mẫu. Hiện, Bộ đang hoàn tất lấy ý kiến để xây dựng đề án hỗ trợ thôn, bản xây dựng NTM nhằm giúp các tỉnh miền núi, hải đảo triển khai chương trình hiệu quả hơn.
Năm 2018, chương trình sẽ tập trung vào nội dung SX và cải thiện môi trường; đề án mỗi xã một sản phẩm; chương trình KH- CN trong NTM, gắn với các DN tại chỗ để áp dụng KH- CN vào SX.
Theo Trường Giang (Nông nghiệp Việt Nam)