Buôn nghèo đi lên từ chương trình kết nghĩa

Buôn nghèo đi lên từ chương trình kết nghĩa
Buôn Ea Mắp vốn rất nghèo với 100% đồng bào dân tộc Ê Đê, giờ đây đã “thay da đổi thịt”, hạ tầng kinh tế, xã hội đầu tư khá khang trang, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh không ngừng được củng cố.
 
Nhà sinh hoạt văn hóa buôn Ea Mắp được đầu tư xây dựng khá khang trang. Ảnh: VGP/Thế Phong
Góp phần làm nên những kết quả đó là nhờ công tác kết nghĩa giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty CP Văn hóa Đắk Lắk với buôn Ea Mắp (Ea Pốk, Cư M’gar, Đắk Lắk).

10 năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, tỉnh và huyện, 2 đơn vị kết nghĩa với buôn Ea Mắp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty CP Văn hóa Đắk Lắk cũng đã vận động, kêu gọi nhiều nguồn khác để giúp đỡ Ea Mắp phát triển.

Hai đơn vị kết nghĩa thường xuyên cử cán bộ về buôn, xuống khảo sát, nắm bắt, xem xét hoàn cảnh kinh tế từng hộ để có hướng giúp đỡ về vốn, cây con giống, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, giúp các hộ phát triển kinh tế, giảm dần hộ nghèo (hiện toàn buôn chỉ còn 28 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo trong tổng số 442 hộ).

Đặc biệt, trên cơ sở tham mưu, hỗ trợ của 2 đơn vị kết nghĩa, hiện nay hệ thống chính trị trên địa bàn buôn Ea Mắp không ngừng được củng cố và tăng cường. Từ một địa bàn “trắng” về tổ chức Đảng, đến nay buôn Ea Mắp đã có 1 chi bộ với 7 đảng viên; hình thành buôn trưởng, buôn phó và già làng; các tổ chức, đoàn thể đi vào hoạt động có nền nếp.

Đồng bào buôn Ea Mắp giờ đây đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng các hương ước, quy ước của buôn. Từ các năm 2007-2013, Ea Mắp trở thành buôn văn hóa tiêu biểu cấp huyện. 100% con em đồng bào trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Ông Ama Bút, Trưởng buôn Ea Mắp, bày tỏ: Bằng sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, cán bộ 2 đơn vị kết nghĩa với buôn đã sâu sát với đồng bào, đề xuất nhiều giải pháp và có nhiều hình thức hỗ trợ, giúp buôn phát triển ổn định như hôm nay. Đây là kết quả rất đáng trân trọng.

Theo ông Bạch Văn Mạnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, Chương trình kết nghĩa với buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số là một chủ trương đúng, hợp với ý Đảng, lòng dân.

Đến nay, Đắk Lắk đã có 76 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh và Trung ương đứng chân trên địa bàn đã tổ chức kết nghĩa với 161 buôn đồng bào dân tộc thiểu số; 1.087 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cấp huyện kết nghĩa với 454 buôn; 545 thôn, tổ dân phố vùng người Kinh kết nghĩa với 313 buôn; 636 Chi hội nông dân thôn người Kinh kết nghĩa với 228 buôn; 286 Chi Hội Cựu chiến binh thôn người Kinh kết nghĩa với 196 buôn; 301 tổ chức Đoàn thanh niên thôn người Kinh kết nghĩa với 196 chi đoàn thanh niên buôn…

Có thể nói công tác kết nghĩa đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, song trên thực tế, các buôn làng trên địa bàn Đắk Lắk cũng như nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác kết nghĩa cần phải tăng cường thực hiện có hiệu quả và bền vững nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển các buôn làng về mọi mặt.

Thế Phong/chinhphu.vn