Bứt phá cán đích nông thôn mới, Noong Hẹt "thay da đổi thịt"
- Thứ hai - 13/11/2017 18:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Huy động sức dân vào cuộc
Trong câu chuyện về Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, nói về những khó khăn của những ngày mới triển khai: “Khi bắt tay vào thực hiện, cả xã đều lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu, vì triển khai tiêu trí nào cũng vướng, cũng khó. Để hoàn thành các tiêu chí, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch từng năm cho từng tiêu chí. Lấy sức dân làm gốc, vận động bà con cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới”.
Là xã vùng lòng chảo Điện Biên, có nhiều thuận lợi để thực hiện các tiêu chí; trình độ nhận thức cũng được nâng cao, vì thế chỉ mất thời gian đầu triển khai còn gặp khó khăn. Khi người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình thì họ cùng bắt tay với chính quyền triển khai thực hiện.
Con đường vào thôn Văn Biên được đổ bê tông sạch đẹp, có sự đóng góp công sức của người dân trong thôn
“Trước đây vào thôn Văn Biên, đường đất lầy lội, nhưng khi được vận động, nhà nước hỗ trợ, dân thôn chúng tôi đã góp đất, công để làm đường gia thông. Chỉ trong thời gian ngắn con đường dẫn vào thôn dài gần 400m đã được đổ bê tông, thuận lợi cho người dân đi lại” ông Trần Thế Cương, Trưởng thôn Văn Biên cho biết.
Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn Văn Biên đã thay da đổi thịt. Đường, trường, trạm, nhà văn hóa... đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Con đường sạch sẽ, trải bê tông phẳng lỳ dẫn vào thôn có một phần đóng góp không nhỏ của người dân. Nhiều gia đình rất tích cực tham gia đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất để làm đường, nhà văn hóa...
Để nâng cao thu nhập, người dân trong xã đã đưa những giống cây, con đặc sản vào trồng và chăn nuôi. Trong ảnh bà Trần Thị Quý, thôn Văn Biên nuôi gà đen, đang được thị trường ưa chuộng,.
Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã đánh giá, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, thì người dân là nhân tố chính để xã hoàn thành Chương trình nông thôn mới: “Tiêu chí khó nhất của chúng tôi là thu nhập, nhưng sự thay đổi tư duy, cách làm ăn nên tiêu chí khó nhất lại cán đích đầu tiên. Thu nhập trung bình trên đầu người của xã hiện đã đạt trên 23 triệu đồng/người/năm”. Ngoài ra các tiêu chí về môi trường, văn hóa... cũng có đóng góp không nhỏ của người dân. Trước đây vào ngày mùa, học sinh hay bỏ học ở nhà giúp bố mẹ, nhưng hiện nay đã có chuyển biến rõ nét, không còn cảnh mỗi lớp vắng gần chục học sinh mỗi khi mùa gặt đến.
Nông thôn mới, con đường mới
Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Noong Hẹt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sức mạnh của toàn dân. Đối với những tiêu chí nào khó đạt được, cần sự đóng góp của dân, ban lãnh đạo xã vận động người dân cùng hưởng ứng. Với cách làm như vậy, xã Noong Hẹt đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trong tổng số trên 13,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua, nhân dân xã Noong Hẹt đã đóng góp khoảng 2 tỷ đồng và trên 1.000 ngày công lao động để xã sớm đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phát triển chăn nuôi gia súc, hướng thoát nghèo của người dân Noong Hẹt
“Chúng tôi phải bứt phá, không để tụt hậu so với các xã đã được công nhận hoàn thành Chương trình nông thôn mới. Đầu tiên phải nâng cao thu nhập cho người dân, biến những lợi thế của cánh đồng Mường Thanh để nâng cao thu nhập. Xã đã chỉ đạo bà con, thay đổi cơ cấu giống, để phù hợp với nhu cầu thị trường. Những giống lúa mới có năng suất, chất lượng, được thịt trường ưa chuộng được bà con trong xã trồng ngày càng nhiều” ông Trần Công Kha nói về những bứt phá của xã trong thời gian tới.
Không như những địa phương khác sau khi hoàn thành Chương trình nông thôn mới còn nợ lại vốn rất lớn. Xã Noong Hẹt, dựa vào sức dân để xây dựng nông thôn mới, tất cả các công trình thuộc nông thôn mới được triển khai tại xã đều được đưa ra bàn tại các thôn, bản. Người dân cùng đóng góp ngày công, hiến đất, góp kinh phí để làm. “Ngoài những công trình lớn, nhà nước phải đầu tư, còn những công trình nhỏ như đường giao thông nội bản, nhà văn hóa... người dân tự bảo nhau, góp vốn, ngày công cùng với số vốn nhà nước cấp để làm” ông Trần Công Kha cho biết