Cà Mau: “Vua” dừa xiêm lùn xã Khánh Hải
- Chủ nhật - 15/03/2015 07:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với trên 500 cây dừa xiêm lùn đang sai trái và 400 cây chuẩn bị thu hoạch, vườn dừa của anh Phan Minh Út đã và đang là vườn dừa lớn nhất huyện Trần Văn Thời. Cùng với sự kết hợp đan xen mô hình cây lúa và cá lóc thành công, chỉ trong vòng 5 năm, gia đình anh không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn tăng thu nhập lên cao đáng kể.
Anh Út vốn xuất thân từ gia đình nông dân. Nguồn lợi từ cây lúa và hoa màu bấp bênh, khó khăn chồng chất, anh phải theo bạn bè đi biển. Cuộc sống không khá hơn, nợ nần chồng chất, vợ và 2 con anh phải xa quê hương lên Bình Dương làm mướn.
Năm 2009-2012, thực hiện đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của huyện Trần Văn Thời, đảng bộ, chính quyền tập trung chỉ đạo quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông - khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động nông dân thay đổi giống cây trồng phù hợp và khôi phục lại vườn dừa, chuối. Là người nông dân ham học hỏi, anh đã đăng ký đi tham quan mô hình trồng dừa tại Bến Tre và từ đó ấp ủ ước mơ xây dựng thành công mô hình vườn dừa sinh thái.
Anh cho biết: “Sau khi đi tham quan và tiếp thu được một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dừa của các anh em ở Bến Tre, tôi thấy vô cùng tâm đắc. Thêm vào đó là sự ủng hộ của các anh em trong hội nông dân, đầu năm 2010, tôi đốn tất cả các cây ăn trái lâu năm cho thu nhập thấp trong vườn và mướn người đắp bờ, lên liếp. Nhiều bà con nói như vậy là quá mạo hiểm và thời gian chờ đợi cây lớn thì số lãi sinh ra quá cao, trồng nhiều quá ai mua. Nhưng sau những hoang mang thì niềm đam mê cũng thôi thúc, tôi đã cân nhắc kỹ sau nhiều đắn đo liệu tính, cuối cùng cũng được trời thương”.
Hiện nay, anh không chỉ có thể sống đầm ấm với vợ, con trong cuộc sống đầy đủ, giải quyết tất cả những nợ nần tồn đọng mà còn có thu nhập đáng nể. Những cây dừa "lạ hoắc" ngày ấy đã trở thành thương hiệu được ưu ái trên thị trường nội địa. Khác với giống dừa thường, dừa xiêm lùn của anh không chiếm nhiều diện tích và cây thấp. Trong tổng số gần 1.000 cây dừa của mình, anh chia thành 3 loại: dừa xiêm vàng, dừa xiêm xanh và dừa xiêm dứa. Giống dừa này chịu ngọt và năng suất cao vượt trội "họ hàng" của mình. Trung bình 1 buồng có hơn 50 trái, tuy trái nhỏ nhưng nước nhiều và ngọt, đặc biệt trái có quanh năm. Anh chia sẻ, hiện nay, với gần 500 cây dừa đang cho trái, mỗi cây cho khoảng 80.000 đồng/tháng, tổng nguồn thu từ dừa có lúc hơn 30 triệu đồng/tháng.
Trước khi 500 cây dừa đợt đầu ra trái và dự trù gần 400 cây con sau này phát triển, anh tận dụng nguồn đất khi cây dừa còn nhỏ trồng xen cây chuối để có thêm nguồn thu từ 40-60 triệu đồng. Cùng thời điểm này, phần đất còn lại anh trồng sả kín mặt đất. Cây sả có tác dụng bảo vệ độ ẩm cho đất, chống rửa trôi khi mưa, và hơn hết mỗi kí-lô-gam sả có giá tương đương 1 kg lúa trên thị trường, 1 bụi sả sẽ cho hơn 5 kg, chỉ sau 4 tháng có thể thu hoạch. Tuy chỉ trồng xen để bảo vệ đất nhưng mỗi năm anh thu nhập hơn 25 triệu đồng từ sả.
Với 4 ha đất của mình, anh giữ vững mô hình lúa - tôm kết hợp gần 2 ha. Số đất còn lại anh trồng dừa, dưới ao nuôi cá lóc đầu nhím. Sau 4-5 tháng, anh thu hoạch hơn 10 tấn cá, bán với giá 45.000 đồng/kg. Anh chừa riêng 2 đầm nuôi cá giống. Anh cho biết, 1 cặp cá cha và mẹ có thể cho ra 10.000 cá con. Không chỉ nhân giống để nuôi, anh còn bán lại cho bà con có nhu cầu.
Chị Nguyễn Bích Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hải, cho biết: “Từ mô hình trồng dừa thành công của anh Phan Minh Út giúp chúng tôi có thêm động lực hỗ trợ bà con quê mình khôi phục lại vườn dừa cho nguồn thu bền vững”./.