Cả làng trở thành tỷ phú, mua xe hơi rầm rộ
- Chủ nhật - 08/11/2015 22:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỷ phú nhiều không đếm xuể...
Vùng đất Cao Phong – Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cam.
Sau một thời gian dài lụn bại, những năm gần đây, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu quen thuộc trong nước nhờ thay đổi cách điều hành canh tác.
Sự thay đổi đó đem lại bộ mặt mới cho vùng đất này.
Hiện nay, với tổng diện tích 1.200 ha trồng cam, sản lượng cam mỗi năm đạt hàng chục nghìn tấn, trung bình mỗi ha cam đem lại cho người dân khoảng 1 tỷ đồng.
Khoảng 3 năm trở lại đây, cam Cao Phong liên tiếp được mùa, được giá, khiến đời sống người nông dân được cải thiện rất nhiều.
Theo thống kê của ông Nguyễn Hồng Thủy – Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, năm ngoái, có 64 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng, 9 hộ thu nhập từ 3 – 8 tỷ nhờ trồng cam.
Còn năm nay chắc chắn thu nhập cao hơn vì cam được giá, diện tích trồng cũng được mở rộng.
Vì lẽ đó, việc nông dân trồng cam ở Cao Phong mua xe hơi tiền tỷ, điện thoại smartphone đời mới nhất cũng không phải là hiếm.
Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong, với 32 ha cam đang cho thu hoạch, năm ngoái ông thu được 2,8 tỷ đồng/ha cam.
Từ năm 2010, ông Tiến đã mua chiếc xe hơi Fortuner để di chuyển.
Hay một trong những thanh niên tiên phong về phát triển cây cam là anh Bùi Việt Bách, người dân tộc Mường.
Năm 2004, anh Bách chuẩn bị làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động thì được thăm mô hình của công ty rau quả Cao Phong.
Được tư vấn, anh Bách quyết định ở lại quê hương trồng cam ruột vàng, không đi xuất khẩu lao động nữa.
Anh Bách bắt đầu cải tạo diện tích đất đồi rộng 1ha bỏ hoang của gia đình, sau 1 năm, anh vay ngân hàng 200 triệu đồng để mua cây giống, vật tư cần thiết và đầu tư đường ống dẫn nước tưới.
Năm 2007 anh thu được 1 tỷ đồng từ cam, nhận thấy hướng đi đúng, anh thuê thêm 8ha đất để trồng loại cây này.
Hiện nay, mỗi năm anh Bách thu nhập khoảng 5 tỷ đồng từ 9 ha cam của mình, tạo việc làm cho 40 lao động.
Anh Bách cũng mới thuê thêm 20 ha đất để tiếp tục trồng cam. Chàng trai này cũng đã sắm ô tô để tiện cho việc làm ăn.
Anh Bách cho hay, nông dân có thu nhập như anh ở đây rất nhiều, đây là điều hết sức đáng mừng mà nhiều năm trước không ai dám nghĩ đến.
Không chỉ riêng ông Tiến, anh Bách, Trưởng khu 5 – thị trấn Cao Phong, ông Tạ Đình Đào cũng cho hay, với 7ha trồng cam của gia đình, vụ năm ngoái ông lãi được hơn 3 tỷ đồng.
Theo ông Đào, vùng đất này rất hợp với cam lòng vàng và trồng cây này không quá khó, nếu tuân thủ đúng quy trình thì cây cam sẽ cho giá trị kinh tế rất cao
Đồng hành cùng nông dân
Có được bộ mặt như ngày hôm nay, vùng cam Cao Phong đã trở thành minh chứng cho việc thay đổi mô hình quản lý kinh tế, từ bao cấp sang khoán nông trường.
Để có nguồn giống tốt và sạch bệnh hỗ trợ người nông dân trồng cam, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện NC Rau quả) và một số cơ sở uy tín để cung cấp
giống, chuyển giao kỹ thuật trồng cam. Đồng thời, đầu tư chất xám, hạ tầng, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực của Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng đầu tư hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo các hồ chứa để đảm bảo nước tưới cho cam.
Người dân cũng được hướng dẫn để đầu tư các hệ thống tưới nước cho cây cam đảm bảo chất lượng.
Song song với đó, để phát huy thương hiệu của cây cam, Bộ Nông nghiệp và Thát triển Nông thôn cũng đã phê duyệt dự án khuyến nông trọng điểm tại Hòa Bình và một số tỉnh khác.
Theo dự kiến, đến năm 2017, toàn huyện Cao Phong sẽ duy trì diện tích cam 1.500 ha (tăng 300 ha so với hiện tại), sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 500 tỷ đồng.
Huyện Cao Phong xác định trong những năm tiếp theo cây cam, quýt là cây mũi nhọn trong sản xuất hàng hóa của huyện, góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập và làm giàu của một bộ phận lớn người dân và thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn.
Định hướng đến năm 2017, toàn huyện sẽ duy trì diện tích cam 1500 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha.
theo Một thế giới