Cách trồng hay: Trên thanh long, dưới nấm đặc sản-tăng thu nhập, lợi đôi đường
- Chủ nhật - 06/08/2017 08:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ trồng thanh long…
Năm 1985, Nguyễn Văn Cước với quân hàm Trung sĩ rời quân ngũ trở về địa phương xây dựng gia đình. Cuộc sống nơi thôn nghèo Hiệp Lễ khi đó rất khó khăn. Đường xá đi lại không thuận lợi, cách xa trung tâm huyện, người dân trồng lúa 1 vụ, sản phẩm làm ra chủ yếu tự cung tự cấp. Họ cũng chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng địa phương. Mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Bằng bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông Cước không ngừng trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế.
Ông Cước với suy nghĩ, thanh long – một loại cây cho trái đẹp và ăn rất ngon, sao không trồng để xuất khẩu ra các nước?...
Khoảng năm 1987, ông đầu tư trồng 150 trụ thanh long quanh nhà. Sau 2 năm thanh long cho trái, đem ra chợ bán…rồi thương lái tìm đến thu mua. Nhờ vào khoản tiền tiết kiệm sau những lần bán thanh long, ông mua đất trồng thêm 400 trụ. Nhiều hộ dân Hiệp Lễ bắt đầu trồng và có cuộc sống khá hơn, đúng lúc có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
… đến xen canh nấm
Cuối năm 2016, người ta thấy một ngôi nhà sàn nhỏ dựng lên bên cạnh ngôi nhà của ông Cước giữa cánh đồng bạt ngàn thanh long. Nhiều người bảo: ông Cước mở quán bán cà phê. Trên thực tế, đó là trang trại trồng nấm bào ngư và nấm tuyết, ông đang trồng thử nghiệm. Ông Cước cho rằng: người tiêu dùng đang hướng tới các loại thực phẩm sạch, phát triển tự nhiên... Nấm là loại “rau sạch” có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Hơn nữa, cây thanh long đang bước vào thời kỳ già cỗi, sâu bệnh nhiều, có thể tái trồng kết hợp với nấm rất phù hợp, tăng hiệu quả sử dụng đất một cách tối ưu, tăng thêm thu nhập…
Nấm không đòi hỏi kỹ thuật cao và nhanh cho thu hoạch (nấm tuyết 15 ngày, nấm bào ngư gần 1 tháng). Trang trại nấm của ông Cước, cho đến nay gần 1 năm (tính cả thời gian trồng thử nghiệm), nhưng đã mang lại hiệu quả cao cho thu nhập khá. Ông Cước cho biết: trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 20 – 30kg nấm bào ngư, 15 - 20 kg nấm tuyết, có ngày thu hoạch đến gần 100 kg, với giá bán trung bình 30 ngàn/kg loại A, loại B từ 25 - 27 ngàn/kg.
Nấm sau khi thu hoạch được cung cấp cho các chợ trong vùng, đôi khi còn thiếu. Ông tiết lộ, đang mở thêm trại nữa để cung cấp ở siêu thị và một số nơi khác… Điều đáng nói là các phôi nấm sau thời gian thu hoạch còn được ông tận dụng trồng nấm rơm xen canh thanh long. Sau khi thu hoạch nấm rơm, phôi này tiếp tục làm phân bón cho thanh long trong vườn.
Nói về quy trình của mô hình, ông Cước không ngần ngại chia sẻ và mong người trồng thanh long áp dụng, tăng thêm thu nhập. Ông cho biết, đầu tiên dựng trại trồng theo quy chuẩn trồng nấm, sau đó mua phôi nấm từ các nhà cung cấp. Nấm bào ngư, nấm tuyết trồng trong trại sạch sẽ kín gió, sau khi thu hoạch thải ra bịch phôi (chứa mùn cưa, bột bắp, cám gạo...).
Phôi này sẽ được lược bỏ những thứ không cần thiết, cho ủ với vôi khoảng 5 - 6 ngày, sau đó đưa đến khoảng đất trống dưới gốc thanh long, đổ xuống tạo thành luống, vạch một rãnh dài giữa ngọn luống, rải meo nấm (mọc lên cây nấm rơm), lấp (phôi) lại một lớp mỏng, phủ rơm giữ ẩm, trong vòng 15 ngày thu hoạch. Phôi này tiếp tục đem bón cho thanh long. Nấm rất dễ trồng, ưa nước sạch, không ưa phân thuốc khi trồng cần đảm bảo yếu tố này.
Ông Võ Văn Luận - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Hảicho biết,anh Cước - xuất thân từ người lính, trở về đời thường, tự tìm tòi nghiên cứu vươn lên đã trở thành một trong những hội viên phát triển kinh tế tốt, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Mô hình thanh long - nấm rất hay, cho nông dân có thêm thu nhập.
Theo Ninh Chính (Báo Bình Thuận)