Cách tư duy mới của người Mông ở Điện Quan

Cách tư duy mới của người Mông ở Điện Quan
Điện Quan là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên (Lào Cai), với 80% đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Nhờ nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng bào định canh, định cư, phát triển kinh tế, đời sống người dân Điện Quan những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Trong những năm qua, đồng bào Mông ở Điện Quan đã vươn lên thoát nghèo nhờ triển khai mô hình trồng cây dứa.

 

Nhận thấy những bất lợi trong việc tổ chức trồng lúa, trồng ngô trên địa bàn ở nhiều xã, nhất là ở Điện Quan, nên Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện Bảo Yên, vận động người dân ở Điện Quan thay đổi tập quán canh tác từ cách làm tạm bợ theo hình thức du canh chuyển sang làm cố định, thâm canh trên diện tích đất bạc màu. Từ phân tích điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Điện Quan, lãnh đạo Hội Nông dân huyện đã triển khai trồng dứa thí điểm. Kết quả, cây dứa là một loại cây có thể thích nghi với đất núi đá ở Điện Quan và mang lại giá trị kinh tế cao.

Nông dân Điện Quan chăm sóc dứa. 

Ông Hảng Khái Quáng, một nông dân của xã Điện Quan cho biết: “Cây dứa rất hợp với vùng đất quê tôi nên cho quả nhiều mà bán cũng được giá. Công và phân bón lại ít nên cũng đỡ tốn kém”. Không chỉ riêng ông Quáng mà nhiều hộ gia đình trồng dứa ở đây đều có một cảm nhận chung như vậy.  

Khi đã quen với cây dứa, đa số người Mông ở Điện Quan cho rằng, trồng cây dứa thuận lợi và dễ hơn trồng cây ngô trên núi. Bởi thời gian chăm sóc và bón phân cho dứa ít tốn kém hơn so với các cây hoa màu khác, lại cho thu nhập cao. Vào thời điểm tháng 11, tháng 12 hằng năm, người Mông đồng loạt trồng dứa khi trời lạnh. Đến khoảng tháng 4, tháng 5, cây dứa trổ hoa và kết quả, trong một thời gian ngắn sẽ cho thu hoạch. Vào thời gian này, người Mông ở Điện Quan tập trung nhiều vào chăm sóc dứa. Từ việc tỉa bớt những cây mầm xen vào những quả đang to, xới cỏ, vun gốc và bón phân cho dứa…

Thị trường tiêu thụ dứa rất thuận lợi. Các tư thương đến tận nương dứa thu mua với giá từ 3000 đến 4000 đồng/kg. Ngoài việc bán cho tư thương, người dân còn mang ra chợ bán. Anh Hảng A Diêu, một hộ đầu tư trồng dứa lớn ở Điện Quan cho biết, gia đình anh canh tác dứa nhiều năm nay, mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh thu được hơn 20 triệu đồng. Nhiều gia đình khác ở Điện Quan cũng có thu nhập ổn định tương tự.

Nhiều gia đình người Mông ở Điện Quan đã thoát nghèo từng bước nhờ làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay chai sạn và tư duy sáng tạo của họ. Đời sống vật chất, tinh thần của người Mông ở Điện Quan đã bước sang trang mới, ấm no và hạnh phúc hơn.

Thế Lượng
Theo qdnd.vn