Cãi lời các cụ, cõng quýt từ rừng về vườn, thu 10- 15 tấn/vụ
- Thứ sáu - 08/12/2017 09:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Muốn có quýt vàng ở trong vườn
Huyện Bắc Sơn với địa hình chủ yếu là núi đá nên từ xa xưa, giống quýt vàng đặc sản của địa phương đã được cha ông mang trồng trong các thung lũng, khe đá trên núi ở độ cao 400- 500m, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới tới vườn.
Ông Dương Hữu Đoan bên vườn quýt vàng trĩu quả của gia đình.
Nhận thấy cây quýt vàng nổi tiếng của quê hương đang dần bị chết và thoái hóa, ông Dương Hữu Đoan luôn trăn trở tìm cách phục hồi và phát triển loại cây bản địa này. Nhưng nếu vẫn cứ trồng trên núi, khâu vận chuyển và chăm sóc rất khó khăn, hao hụt nhiều, vì vậy ông nảy ra suy nghĩ mang quýt về nhà trồng.
“Thấy mọi người vất vả đi bộ, gần thì 1 giờ đồng hồ, xa cũng vài giờ leo núi mới đến vườn, nhất là mùa thu hoạch phải khổ cực gánh từng sọt quýt về, gần thì cả ngày được 2 gánh, xa thì 1 gánh. Nhà có xe máy, ô tô cũng đành bó tay, vụ mùa là cứ phải còng lưng “cõng quýt” về nhà. Quýt không sai quả thì kêu không sai, sai nhiều quá đi bộ gánh về mệt cũng lại kêu mệt”, ông Doan dí dỏm nói.
Nói là làm, ông Đoan bắt tay trồng quýt tại vườn từ năm 2000. Ông đào hết cây từ vườn trên núi về khu đất vườn cạnh nhà để trồng, đồng thời xin chiết cành để về trồng thêm. “Ban đầu tôi mang từ rừng về trồng được mấy chục cây, rồi từ đó mới chiết cành làm giống và trồng dần” - ông Đoan chia sẻ.
Thời điểm đó, ai cũng nói ông “hâm, dở hơi” từ bao đời nay cây quýt vẫn được trồng trên núi, giờ mất công mang về nhà trồng rồi sẽ chết hết. Ngay cả vợ ông Đoan cũng ngăn cản và cho rằng việc đó chỉ tốn công, tốn sức.
Vườn quýt vàng trĩu quả, căng mọng đep mắt của nhà ông Dương Hữu Đoan.
Từ xa xưa, quýt ở đây được trồng bằng hạt, sau này với sự phát triển của kỹ thuật, người dân mới biết chiết cành để trồng. Theo ông Đoan, với cây trồng hạt dù được chăm sóc, bón phân tốt thế nào, phải sau 5-7 năm mới cho quả, còn đối với những cây chiết cành chỉ sau 5 năm là cho quả. Nhận thấy điều đó nên ông đã học hỏi kỹ thuật chiết cành để nhân rộng vườn cây giữ gìn, phát triển loại cây đặc sản này.
Thành công nhờ những bí quyết riêng
Là người đầu tiên mang quýt từ rừng về nhà, ông Đoan luôn tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính của loại cây ăn quả này để khi mang cây về đất thịt trồng, cây vẫn phát triển tốt và sai quả mỗi năm. Theo ông, quýt là giống cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên khi mang về đất thịt trồng phải tốn nhiều công chăm sóc hơn, thường xuyên tưới nước, kiểm tra sâu bệnh và xới đất quanh gốc.
Những quả quýt màu vàng, căng mọng được ông Dương Hữu Đoan hái để mang ra chợ giao cho thương lái.
Theo kinh nghiệm riêng, ông cho biết loại quýt này rất kiêng kỵ bón phân lợn. Vì theo ông khi bón phân lợn, ban đầu cây xanh mướt, phát triển rất tốt nhưng sau đó, do độ ẩm cộng với những vi khuẩn, sâu bệnh trú ngụ trong phân phát triển làm xuất hiện nhiều sâu bệnh hại ở gốc và thân làm cây vàng lá dần. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, cây sẽ chết.
Ông Đoan còn thường xuyên tự chế thuốc phun diệt sâu bọ. “Lấy ớt, tỏi đem giã nhỏ rồi ủ với rượu 20 ngày, pha với nước rồi phun. Làm như vậy vừa an toàn, tiết kiệm mà cũng rất hiệu quả” - ông Đoan cho hay.
Quýt vàng nổi tiếng đặc sản Bắc Sơn do nhà ông Dương Hữu Đoan trồng rất được nhiều người ưa chuộng.
Hiện tại vườn nhà ông có khoảng hơn 400 gốc quýt vàng và gần 300 gốc bưởi Diễn. Năm đỉnh điểm nhất gia đình ông thu 10- 15 tấn/vụ, thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Vườn quýt này chưa phải là sai vì cây còn ở tuổi đang phát triển (quýt tơ), phải vài năm nữa cây mới sai đến độ”, ông Đoan cho biết.
Cũng như mọi năm, năm nay quýt quả to đều được gia đình ông Đoan chọn mang ra chợ bán cho thương lái. Cũng có năm nhà ông bán luôn cả vườn. “Họ mua hết cả vườn quả to, bé với một mức giá, rồi họ thuê mình trông đến khi nào chín đều, đẹp mới cho người cắt và chở đi” - ông Đoan nói.