Cải tạo đất cằn nhờ liên kết sản xuất

Tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng đi của HTX dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Dù gặp nhiều khó khăn về địa hình, điều kiện canh tác nhưng HTX Thủy Đông đã chuyển đổi mô hình sản xuất thành công, thu nhập của các thành viên cũng dần tăng lên. Đây là những bước đi hiệu quả, bền vững của HTX ngay trên diện tích đất đồi cằn cỗi của quê hương.

Liên kết trồng dứa

HTX Thủy Đông quản lý hơn 1.000 ha đất tự nhiên, trong đó 300 ha đất rừng, 200 ha cao su, 130 ha keo lai, 50 ha lúa và sắn. Tuy nhiên, phát triển trồng lúa và cây lâm nghiệp thời gian qua không mang lại hiệu quả, nên HTX đã chuyển đổi sang trồng dứa nguyên liệu cung cấp cho công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình).

HTX đã chuyển đổi 108 ha đất rừng sản xuất, đất trồng sắn sang trồng dứa. Dứa là loại cây truyền thống của người dân địa phương. Tuy nhiên lâu nay, mọi người chủ yếu trồng xen canh với các loại cây trồng khác theo lối canh tác tự nhiên, không bón phân và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nên năng suất thấp. Nay, với sự liên kết với DN, HTX hoàn toàn yên tâm về giống, phân bón, đầu ra...

Từ khi trồng tới thu hoạch, theo định kỳ, cán bộ nông nghiệp của DN sẽ xuống HTX kiểm tra tình trạng cây trồng, đồng thời, chuyển giao kỹ thuật canh tác mới như phương pháp che phủ nilon, trồng xen, bón phân cân đối… 

Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật còn nghiên cứu chất đất, đưa ra công thức và lịch trình bón phân phù hợp. Nhờ đó, chất lượng quả dứa luôn ổn định, năng suất tăng nhanh, đạt 60 - 70 tấn/ha, hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với trồng rừng và các loại cây trồng khác. 

Để có nguyên liệu cho DN sản xuất quanh năm, HTX thực hiện kế hoạch trồng theo phân khu. Khi khu này thu hoạch thì khu khác chuẩn bị cho quả. Sau mỗi vụ thu hoạch, DN đều kiểm tra lại mẫu đất, nước nhằm bảo đảm duy trì chất lượng đất trồng và nước tưới. 

Theo ông Nguyễn Văn Lục - Giám đốc HTX, việc xây dựng vùng dứa thành công đã tạo động lực để HTX động viên người dân tiếp tục cải tạo đất đồi không hiệu quả sang trồng dứa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN cũng như nâng cao hiệu quả, thu nhập cho các thành viên và nông dân.

Mô hình trồng dứa của HTX

Cải tạo đất đồi

Cây dứa được đánh giá là phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Trồng dứa chỉ mất công làm đất, bón phân ban đầu, chăm sóc khi bắt đầu ra quả và thu hoạch nên thời gian còn lại người dân vẫn có thể làm những việc khác. Đặc biệt, dứa là loại cây thích ứng được với môi trường khô cằn, khắc nghiệt của vùng đất Cam Lộ, Quảng Trị. 

Do diện tích đất đồi núi canh tác lâu năm, lượng dinh dưỡng trong đất đã cạn dần, đất trở nên chai cứng. Sau mỗi vụ thu hoạch, HTX tiến hành bổ sung dinh dưỡng đã mất và tăng độ tơi xốp cho đất bằng lượng phân hữu cơ phù hợp, tiến hành xới tơi đất, phơi nắng 2 - 3 hôm để tiêu diệt các loại sâu bệnh còn tồn đọng trong đất.

Trong quá trình sản xuất, HTX không sử dụng phân hóa học và chất kích thích nên chất lượng dứa của HTX được DN đánh giá cao. Được sự hỗ trợ của địa phương, DN, HTX đã lắp đặt hệ thống đường điện, làm đường giao thông, xây dựng hệ thống phun tưới nước tự động phục vụ sản xuất hiệu quả. 

Quy hoạch vùng trồng dứa nguyên liệu của HTX Thủy Đông đã góp phần tích cực trong việc cải thiện điều kiện sản xuất canh tác của các hộ dân phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nhờ đó khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong các hộ dân; giảm thiểu tình trạng người dân thoát ly tới các địa phương khác làm ăn.

Như Yến
http://thoibaokinhdoanh.vn/