Cần Đước (Long An): Rau màu “bén duyên” trên đất “chết”

Cần Đước (Long An): Rau màu “bén duyên” trên đất “chết”
Nhiều năm qua, vùng đất thuộc địa bàn ấp 1, 2, 3, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, tỉnh Long An được xem là vùng đất “chết” vì bị nhiễm phèn, mặn, chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, gần đây, rau màu phát triển tốt trên vùng đất tưởng chừng “bỏ đi” ấy.

Rau màu “bén duyên” trên đất “chết”

Đến thăm cánh đồng dưa leo của anh Nguyễn Minh Chứa, ở ấp 1, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cách làm hiệu quả của gia đình anh. Trong khi nhiều nông dân khác thường trồng lúa vụ Hè Thu thì gia đình anh lại cải tạo đất để trồng rau màu.

Anh Chứa cho biết: “Vùng này đất bị nhiễm phèn, mặn, mỗi năm chỉ canh tác được 1 vụ lúa, cao lắm là 2 vụ nhưng năng suất chỉ được 2 tấn/ha. Năm qua, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất lúa sang trồng dưa leo và tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăm sóc nên dưa phát triển tốt. Hiện nay, giá dưa leo khoảng 6.000 đồng/kg, trung bình, mỗi vụ dưa, gia đình tôi lời trên 30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.

 can duoc (long an): rau mau “ben duyen” tren dat “chet” hinh anh 1

Anh Nguyễn Minh Chứa trên cánh đồng dưa leo đang chuẩn bị cho trái

Cũng như anh Chứa, anh Trần Văn Út, ngụ ấp 3, phấn khởi: “Năm nay, nhờ chuyển đổi cây trồng mà cuộc sống gia đình tôi đỡ hơn. Sắp tới, sau khi thu hoạch hết dưa leo, tôi chuyển sang trồng mướp, bí,... vừa có thể tận dụng giàn cũ, đỡ tốn chi phí, vừa thay đổi giống cây trồng để cải tạo đất”.

Thay đổi để phát triển

Theo anh Chứa, rau màu là loại cây cũng dễ trồng, dễ chăm sóc. Một vụ dưa leo chỉ kéo dài 2 tháng, nếu được chăm sóc đúng cách, dưa cho năng suất cao. Trước khi gieo giống, cần làm đất kỹ, tơi xốp, bón nhiều phân hữu cơ tạo mùn. Ngoài ra, để có đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu, người trồng chủ động tạo rãnh chứa nước. Nếu 0,1ha lúa, nông dân lãi 1-2 triệu đồng/vụ thì trồng hoa màu, với giá thời điểm này, nông dân lãi từ 15-20 triệu đồng/vụ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tuy - Phạm Văn Hai cho biết: “Vùng đất này khoảng 50ha, nằm cặp theo đê bao sông Vàm Cỏ. Trước đây, chưa có đê bao, đất bị nhiễm phèn, mặn, một năm chỉ làm được 1 vụ lúa nhưng sau khi có đê bao, do bị ứ phèn nên trở thành vùng đất “chết”, không còn sản xuất nông nghiệp được.

Trước tình hình trên, địa phương xây dựng 3 cống (cống xã 7, cống ấp 3, cống Rạch Bộng) nhằm rửa phèn. Năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư tuyến kênh qua ấp 1, 3 hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Sau thời gian cải tạo đất và chuyển đổi cây trồng, đến nay, dưa leo, đậu bắp, cà chua,... phát triển tốt trên vùng đất “chết”. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân còn gặp một số khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện, có khoảng 6ha đất chuyển sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả, đồng thời tham gia các mô hình liên kết nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm”./.

Theo Huỳnh Phong (Báo Bình Phước)