Cao su Sơn La với việc phát triển nông thôn mới
- Thứ sáu - 09/08/2013 03:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Do quy hoạch và phát triển cây cao su đúng tiến độ, Công ty đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu ngành theo hướng CNH, HĐH. Bên cạnh đó, phát triển cây cao su còn tạo điều kiện để huyện điều chỉnh cơ cấu cây trồng, bố trí lại cơ cấu lao động, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và thay đổi cơ bản tập quán canh tác và trình độ sản xuất của nông dân. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương và người nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong vùng quy hoạch trồng cao su của các huyện.
Ông Nguyễn Chiến Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cùng lãnh đạo Công ty thăm Đội cao su Ít Ong. |
Theo ông Võ Nhật Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La: Các xã, bản trồng cao su đủ điều kiện theo quy định được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh. Theo mô hình góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, mỗi hộ góp từ 1 ha trở lên sẽ được tuyển 1 người vào làm công nhân. Bên cạnh đó, trong giai đoạn cây cao su chưa khép tán, các hộ công nhân được trồng xen canh các cây lương thực cùng với việc Công ty hỗ trợ giống, phân bón và cho vay mua giống trâu, bò để phát triển chăn nuôi. Các hộ có diện tích đất góp dưới 1 ha, nhưng không làm công nhân được hỗ trợ theo chính sách đất trồng cây lâu năm, di chuyển ra khỏi vùng quy hoạch trồng cây cao su, được hỗ trợ lương thực trong 7 năm.
Với cách làm này, đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Nếu như trước khi góp đất trồng cao su, thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 10 triệu đồng/năm, đến nay đã có thu nhập từ 25-30 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, việc tuyên truyền thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có nhiều thuận lợi. Nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống và sản xuất. Đến nay, tỉnh đã đầu tư nâng cấp 3 km đường vào đội cao su Ít Ong, xây dựng 9 danh mục công trình tại các bản có diện tích đất góp trồng cây cao su từ 100 ha trở lên của hai xã Tạ Bú và Mường Bú.
Công ty đã thành lập 6 đội cao su trên địa bàn huyện, mở mới 326 km đường vào các khu sản xuất và đang triển khai xây dựng hoàn chỉnh trụ sở các đội sản xuất. Cùng với đó, lao động nông thôn được đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và được bảo đảm các quyền lợi theo quy định. Trẻ em trong độ tuổi được học tập trong môi trường giáo dục và điều kiện tốt hơn. Đặc biệt, với việc xây dựng bản Tìn và Nà Trang tại Phiêng Tìn theo mô hình “bản mới phát triển toàn diện” đã được nhân dân rất ủng hộ. Hai bản có 168 hộ, thì có 221 người được tuyển vào làm công nhân, nhiều người được cử đi học chuyên môn, kỹ thuật để tham gia cán bộ quản lý của các đội. Thu nhập bình quân của hai bản đạt 47,3 triệu đồng/hộ/năm, ngoài ra còn có thu nhập từ chăn nuôi và các dịch vụ khác. Hiện nay, bản Tìn và Nà Trang đã đạt 9/19 tiêu chí và 21/30 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới. Trên một bình diện khác, phát triển cây cao su đã phát huy tốt mối liên kết “4 nhà”, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh, người nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trần Thị Sánh
Theo baodatviet.vn