Chăn nuôi công nghệ cao ở Tiền Giang
- Thứ tư - 15/11/2017 19:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gà Gò Công xuất ngoại
Với tâm huyết đem kiến thức khoa học về phục vụ phát triển quê hương, kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt luôn trăn trở làm sao có được giải pháp chăn nuôi gà hiệu quả trên quê hương Gò Công (tỉnh Tiền Giang) giúp nông dân tăng thu nhập, giảm bớt nguy cơ thua lỗ sau mỗi lần dịch bệnh hay rớt giá. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Kiệt đã lai tạo và nhân giống thành công giống gà Gò Công có nhiều ưu điểm vượt trội về sức chống chọi bệnh tật, năng suất cao và chất lượng thịt thơm, ngon, mềm, ngọt rất khác biệt. Thương hiệu gà Gò Công được người tiêu dùng đón nhận, mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ dân.
Để mở rộng thị trường, ông Kiệt thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi - thủy sản Gò Công, tập hợp nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, cùng sản xuất theo quy trình khép kín, an toàn sinh học. Các trại chăn nuôi của HTX ứng dụng công nghệ cao trong khâu sản xuất giống và chuồng trại. Các máng ăn, nước uống cho gà được gắn tự động. Sau khi nghiên cứu kỹ định lượng dinh dưỡng, gà được cho ăn mỗi ngày chỉ một lần. Do hạn chế thức ăn thừa rơi vãi, người nuôi tiết kiệm thức ăn, không gây ô nhiễm môi trường. Các trại đều có sân chơi riêng giúp cho gà khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Ông Nguyễn Quốc Kiệt tự hào: “Suốt 10 năm qua, các trại gà của HTX không để xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, HTX ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp sản lượng 1.000 con/ngày. Với tổng đàn hiện có là khoảng 120 nghìn con, HTX bảo đảm đủ cung ứng cho thị trường. HTX đang làm các thủ tục để xuất khẩu sản phẩm thịt gà Gò Công sang Thái-lan, Xin-ga-po. Nhờ giảm được một số khâu trong quy trình chăn nuôi, mỗi trại nuôi từ 1.000 đến 3.000 con gà chỉ cần hai người làm việc, công việc lại nhàn nhã, không mấy cực nhọc”. Theo tính toán của ông Kiệt, mỗi hộ nuôi 3.000 con, sau một năm có thể thu lãi 150 triệu đồng, nếu làm tốt có thể thu lợi nhuận cao hơn. Nhiều hộ nuôi của HTX khấm khá lên thấy rõ.
Mười mấy năm trước, khi khởi nghiệp nghề chăn nuôi chim cút lấy trứng, ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại chim cút ở xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) xác định, phải tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Vậy, làm sao để không sử dụng kháng sinh trong thức ăn mà chim cút vẫn khỏe mạnh? Câu hỏi ấy cứ thôi thúc ông phải cải tiến kỹ thuật chăn nuôi. Từ đó, ông mày mò sáng chế ra kiểu chuồng hoàn toàn mới bằng sắt nhưng gọn nhẹ, chiếm ít diện tích, làm vệ sinh dễ dàng, kiểu dáng chuồng rất phù hợp nuôi quy mô công nghiệp. So với kiểu chuồng bằng gỗ trước đây, chuồng mới thoáng mát, có hệ thống cung cấp nước uống tự động, hệ thống làm lạnh. Ông Hồ hiện có hai cụm trại ở huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo với tổng diện tích 30.000 m2. Mỗi tháng, trại của ông xuất khẩu sáu triệu quả trứng chim cút sang Nhật Bản và cung cấp ba triệu quả cho thị trường trong nước. Tổng doanh thu trứng chim cút đạt 30 tỷ đồng/năm. Để có hợp đồng cung ứng cho thị trường Nhật Bản, trang trại phải trải qua bốn năm thử thách kiểm định chất lượng do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang nghiên cứu, giám sát, kiểm tra. Theo ông Trần Nguyễn Hồ, cách làm mới hệ thống chăn nuôi của ông đã thay đổi hoàn toàn cách chăn nuôi trước đây. Chuồng nuôi công nghiệp giúp giảm 10 lần công lao động. Đó là chưa kể lượng nước uống, thức ăn đều giảm. Nếu theo mô hình cũ, một người chỉ nuôi được 2.000 con chim cút, thì với mô hình mới này, một người có thể nuôi 20.000 con.
Thúc đẩy chăn nuôi công nghệ cao
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có đàn lợn 642 nghìn con, đàn gia cầm 12,7 triệu con, đàn bò 119 nghìn con, đứng đầu tổng đàn vật nuôi ở khu vực ĐBSCL. Sản lượng thịt, trứng của tỉnh cung ứng cho thị trường cũng nằm trong tốp đầu cả nước. Với sản lượng lớn như vậy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị cho người nông dân được đặt ra cấp bách.
Quyền Giám đốc Sở NN và PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết: “Những năm gần đây, Tiền Giang đã triển khai áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với quy trình nuôi an toàn sinh học, giảm chuồng chăn nuôi quy mô nhỏ, hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường…, từ đó có thể thâm canh, tăng năng suất. Ngoài ra, các trại chăn nuôi chú trọng nâng cao chất lượng con giống để giảm tiêu tốn thức ăn, tăng khả năng phòng chống dịch bệnh, để người nông dân có lời hơn. Điều quan trọng nhất hiện nay là triển khai quy hoạch, hình thành vùng chăn nuôi tập trung để ngành chăn nuôi của tỉnh đi đúng hướng”.
Theo quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh có năm tuyến chăn nuôi tập trung tại các huyện. Trong đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ có khu chăn nuôi lợn, gà tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước với quy mô 100 ha, chia làm hai phân khu. Đây là cơ hội để tỉnh phát triển vùng chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Cho đến nay, những mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Tiền Giang thành công bước đầu nhờ biết chuyển đổi mô hình từ bề rộng sang chiều sâu, với các mô hình chăn nuôi chuyên canh quy mô lớn, con giống tốt, áp dụng quy trình VietGAP, tự động hóa chuồng trại, xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống, bao tiêu thức ăn, tiêu thụ sản phẩm giúp giảm giá thành so với phương thức chăn nuôi truyền thống. Và quan trọng hơn là xây dựng được thương hiệu, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Chưa kể, vấn đề đầu ra vẫn là thách thức cho sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao. Ông Trần Nguyễn Hồ tâm sự: “Nếu không có khách hàng Nhật Bản ký kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài như hiện nay thì chắc tôi đã bỏ cuộc với mô hình chăn nuôi này. Bởi thị trường trong nước vẫn còn những bất cập, ngoài giá cả bấp bênh, còn có nỗi lo về sự đối xử không công bằng giữa những sản phẩm chất lượng với sản phẩm đại trà do giá bán ngang nhau. Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được cân nhắc chỉ áp dụng từng phần chứ không thể tự động hóa hoàn toàn các khâu vì chi phí đầu tư ban đầu rất cao, mà không thể tính vào giá thành sản phẩm”. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn giải pháp chỉ ứng dụng công nghệ cao cho những khâu quan trọng trong chăn nuôi.
Như vậy, vấn đề đặt ra là phải củng cố việc liên kết “bốn nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông) để tạo thành chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững, đầu ra ổn định, giá cả có lợi cho người chăn nuôi. Từ đó mới tạo động lực để nông dân yên tâm đầu tư các giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả.