Chăn nuôi quy mô trang trại gia tăng

Chăn nuôi quy mô trang trại gia tăng
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn gia súc toàn tỉnh có sự khởi sắc so với nhiều năm trước. Tổng đàn trâu hiện có 109,9 nghìn con, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2015; đàn bò trên 23,4 nghìn con, tăng 18,4%, đàn lợn trên 556 nghìn con tăng 5,91%; đàn gia cầm trên 4,6 triệu con tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2015.

Kết quả trên là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với các địa phương trong tỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, như: Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn. Tính đến đầu tháng 7, toàn tỉnh có 154 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận trang trại. Trong đó, Sơn Dương 126 trang trại, Yên Sơn 12 trang trại, Chiêm Hóa 13 trang trại, Hàm Yên 2 trang trại. Các trang trại chủ yếu là chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt có quy mô từ 200 con trở lên và trang trại nuôi gà có quy mô từ 1.000 con trở lên. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng từ các trang trại đạt trên 20.000 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2015. Qua tổng hợp, 6 tháng đầu năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt 28.608 tấn, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng dẫn đầu với trên 19.800 tấn.


Chị Hà Thị Luận, thôn Làng Gò, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Tạo điều kiện cho các trang trại chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất, tỉnh cũng đã khuyến khích, đầu tư và hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo mô hình nông hộ theo hướng an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mua con giống, cải tạo chuồng trại và xây dựng hầm bể bioga. Chị Đặng Thị Phương, thôn Vàng Ngược xã Trung Minh (Yên Sơn) phấn khởi cho biết, năm nay đầu ra ổn định, dịch bệnh được kiểm soát nên chăn nuôi phát triển khá, tháng 4 vừa qua, gia đình đã xuất chuồng trên 20 tấn lợn thịt, mỗi con lãi 1,2 triệu đồng. Đầu ra ổn định, vợ chồng chị đã vay thêm 100 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp huyện để mở rộng quy mô chăn nuôi từ mô hình gia trại lên trang trại. Hiện nay, gia đình chị đang chăn nuôi 80 con lợn, trong đó có 5 lợn nái.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, khai thác lợi thế về đất đai, lao động và giống vật nuôi phù hợp, tỉnh tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh đang sắp xếp, bố trí lại hệ thống quy hoạch trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh môi trường phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các nông hộ chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang làm chuồng trại, trồng cỏ và trồng các cây thức ăn khác để phát triển chăn nuôi. Tỉnh tạo điều kiện cho chủ trang trại được thuê đất lâu dài và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển chăn nuôi; huy động tổng hợp các nguồn vốn như nguồn ngân sách, các chương trình dự án, vốn vay, nhân dân đóng góp, doanh nghiệp... để đầu tư sản xuất chăn nuôi. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ đầu tư theo quy định một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để hình thành và phát triển các vùng sản xuất con giống tập trung; thực hiện xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống; làm tốt công tác kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y và hỗ trợ một phần lãi suất vốn vay cho người chăn nuôi mua con giống...

Tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện để xây dựng mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với các thành phần kinh tế nhằm góp phần giảm tình trạng chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, tiến tới một ngành chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại.

Theo Báo Tuyên Quang