Chăn nuôi sinh thái
- Thứ năm - 17/03/2016 22:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Đúng đã xây dựng thành công mô hình trang trại sinh thái nhờ đầu tư tốt trong xử lý môi trường kết hợp với mô hình chăn nuôi khép kín vườn - ao - chuồng. Ông còn tận dụng hiệu quả nguồn gas của hầm biogas trong chăn nuôi để phát điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Tự sản xuất điện từ Biogas
Ông Đúng kể, gia đình ông có gốc nông dân, gắn bó với đất Trảng Bom (Đồng Nai) mấy chục năm qua. Khi thành gia, lập nghiệp, ông mới tách hộ, vay mượn vốn đầu tư chăn nuôi heo. Khởi nghiệp từ đàn heo vài trăm con, nhưng ông đã tính đến bài toán xử lý môi trường cho quy mô chăn nuôi lên cả ngàn con. Ông Đúng chia sẻ: “Trước khi chăn nuôi, tôi đã nghĩ đến vấn đề xử lý môi trường nên vừa thả heo là tôi làm hầm biogas. Hơn 20 năm trước, giá nhân công còn rẻ nên tôi làm hầm biogas với quy mô lớn không tốn kém nhiều như bây giờ”. Từ ý thức chăn nuôi sinh thái, ông thiết kế trang trại theo mô hình khép kín vườn - ao - chuồng. Trang trại được phủ xanh bởi rừng tràm, cây ăn trái và cây kiểng; có hệ thống ao nuôi cá rộng cả nửa hécta được xây kiên cố, tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi.
Ông Phạm Ngọc Đúng giới thiệu hệ thống đèn sưởi cho heo con từ nguồn điện tự phát nhờ hầm biogas.
Trang trại nuôi heo, vịt đẻ, vịt thịt của ông Đúng được đầu tư kiên cố, tự động hóa từ khâu cho ăn, uống nước đến hệ thống đèn chiếu sáng, đèn sưởi... Ông Đúng khoe: “Hiện mỗi tháng, trang trại tôi tiết kiệm được gần 10 triệu đồng tiền điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt nhờ sử dụng nguồn gas từ hầm biogas để phát điện”. Từ năm 2000, khi hầm biogas bắt đầu dồi dào khí gas, ông đã mua động cơ từ các xe tải, xe ô tô cũ về mày mò tự “chế” máy phát điện từ biogas. Do máy cũ thường xuyên hư hỏng, ông lại lặn lội lên tận TP. Hồ Chí Minh đặt hàng cơ sở cơ khí cải tiến để có chiếc máy phát điện công suất lớn, hoạt động hiệu quả hơn.
Chăn nuôi sạch
Theo ông Đúng, nuôi heo là nguồn thu nhập chính của trang trại. Mô hình nuôi vịt thịt, vịt đẻ, ao cá... chỉ là làm thêm để tăng thu nhập. Nhưng tham quan những mô hình kinh tế phụ này mới thấy hết sự kỳ công của ông trong việc chăm sóc, đầu tư cho trang trại của mình. Khu nuôi vịt được ông thiết kế trong rừng tràm rợp bóng mát, có khuôn viên thoáng đãng, có nhà trú chân, khu bể nước cho vịt tắm. Hệ thống cho ăn, uống nước đều theo quy trình tự động. Ông Đúng cho hay, vịt thịt, trứng vịt của trang trại ra chợ luôn được thương lái giành mua vì đạt chất lượng ngon do được nuôi thả và ưu tiên cho ăn nguồn thức ăn thiên nhiên, như: bắp, thóc chứ không vỗ béo bằng cám công nghiệp.
Những sản phẩm chăn nuôi khác ở trang trại sinh thái này cũng luôn được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình chăn nuôi được chuẩn hóa từ cơ sở hạ tầng đến kiểm soát chặt từ khâu nguyên liệu thức ăn đầu vào. Ông Đúng kể: “Khi đầu tư, tôi không chạy theo phong trào mà tính đến hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, thời gian đầu xây trang trại, tôi sẵn sàng vay vốn đầu tư kiên cố chuồng trại, đổ bê tông làm bờ kè xây ao cá. Tôi cũng đầu tư xưởng tự trộn thức ăn chăn nuôi để kiểm soát được từ khâu nguyên liệu thức ăn đầu vào”.
Nguồn: Báo Đồng Nai