Chăn nuôi vịt: Cởi nút thắt, mở tiềm năng

Chăn nuôi vịt: Cởi nút thắt, mở tiềm năng
Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản lượng vịt nuôi, lại nằm ở thị trường tiêu thụ vịt lớn nhất thế giới là châu Á (chiếm hơn 50% sản lượng nhập khẩu thịt vịt của thế giới), có thể nói vịt chính là một sản phẩm chiến lược của ngành gia cầm Việt Nam nếu được xây dựng tốt thương hiệu.

Giống gia cầm quý

Vịt ở Việt Nam hiện mới chiếm 7% tỷ trọng đàn gia cầm với khoảng 72 - 75 triệu con, trong đó ước tính 35% nuôi hướng trứng, 65% nuôi hướng thịt. Song đây lại là một mặt hàng “đặc sản” rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi hữu cơ cũng như phục vụ xuất khẩu. 

Châu Á nói chung và Ðông Nam Á nói riêng được xem là cái nôi thuần hóa vịt trời thành vịt nhà và phát triển nghề chăn nuôi vịt lâu đời. Trên các bức tranh khắc cổ người ta đã thấy hiện diện hình ảnh những con vịt và trong các trò chơi dân gian Việt Nam, tiêu biểu là nghệ thuật múa rối nước, không thể thiếu hình những con vịt. Ðó là do Ðông Nam Á là nơi phát tích nghề trồng lúa nước và vịt là loại gia cầm có thể sống trên bộ, dưới nước, đã gắn với truyền thống nông nghiệp ngàn đời nay của người Việt. Những con vịt được thả trên các đồng lúa để diệt trừ sâu bọ, ăn các loại tôm tép, cung cấp nguồn phân cho ruộng lúa và cuối mùa thu hoạch chúng lại tận thu những hạt thóc rơi vãi. 

Trung Quốc và vùng Ðông Nam Á là nơi có đàn vịt chiếm 82% tổng số vịt trên thế giới. Xu hướng tăng trưởng của đàn vịt châu Á cũng được ghi nhận khi sản lượng thịt vịt và tỷ lệ thịt vịt trong tổng sản lượng thịt gia cầm liên tục tăng trong các thập kỷ gần đây. Khách hàng châu Âu như: Hungary, Ðức, Hà Lan, Pháp... cũng dần nhận ra tác dụng và giá trị dinh dưỡng của thịt vịt, do vậy nhu cầu nhập khẩu thịt vịt tăng vào châu Âu liên tục tăng. 

Chăn nuôi vịt của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng Ảnh: Thanh Cường
Chăn nuôi vịt của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng Ảnh: Thanh Cường
  

Làm giàu từ nuôi vịt

Khi việc nuôi gà, heo đang dần bão hòa, chăn nuôi vịt ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ, nhiều người chăn nuôi có kinh nghiệm và cả các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Không chỉ chăn nuôi vịt ở vùng đồng bằng mà nơi nào có khe suối, song, hồ đều nuôi được vịt. Anh Ðoàn Văn Trưởng, bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nuôi vịt mỗi tháng thu nhập 20 triệu đồng. Anh còn giúp nhiều nông dân vùng cao chuyển sang nuôi vịt do anh có máy ấp trứng mỗi tháng cung cấp hơn 10.000 con giống. 

Phong trào nuôi vịt trời mấy năm gần đây cũng nở rộ. Ông Hòa ở Tam Kỳ, Quảng Nam nuôi 7.000 con vịt trời mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng. Ngoài việc tiêu thụ thịt vịt rất có giá thì trứng vịt trời cũng được giá với giá bán tại trang trại lên tới 4.000 đồng/quả.  

Một điểm thuận lợi của nghề nuôi vịt là người dân có thể tự chế biến thức ăn. Ða số các hộ nông nuôi cho rằng, cám công ty không thể đủ dinh dưỡng bằng cám trang trại tự pha trộn. Nguồn nguyên liệu thức ăn tại chỗ giúp cho giá thành thức ăn nuôi vịt cũng giảm xuống, từ đó đạt lợi nhuận cao hơn. 

  

Mục tiêu xuất khẩu

Chăn nuôi vịt của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm trên thế giới, ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ vịt trong thị trường nội địa khá ổn định, dẫn đến việc người chăn nuôi không dám tăng đàn. 

Thực tế, những nông trại nuôi vịt quy mô vừa và lớn thường có lãi. Hộ ông Hậu ở Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam nuôi 20.000 con vịt, cung cấp 5 triệu quả trứng mỗi năm, lãi khoảng 600 triệu đồng/năm. Tuy vậy, một số thời điểm, cung vượt cầu, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, dẫn đến vịt rớt giá, trang trại chỉ nuôi cầm chừng. Tính đến tháng 5/2018, ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 6,9% so với cùng thời điểm năm 2017, cho thấy chăn nuôi gia cầm vẫn tăng trưởng, người chăn nuôi vẫn tin vào sự thành công và tiếp tục đầu tư. 

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi chế biến vịt tại ÐBSCL cho biết: “So với mặt hàng gà thì vịt của Việt Nam chiếm ưu thế hơn hẳn, do Việt Nam có nhiều giống vịt ngon, được nuôi thả đồng theo hình thức chăn nuôi hữu cơ. Do đó trong khi xuất khẩu gà, heo rất khó thì hàng năm chúng ta vẫn xuất khẩu hàng chục triệu USD trứng vịt muối sang nhiều thị trường khác nhau”. 

Những hàng rào kiểm dịch khắt khe khiến cho việc xuất khẩu thịt vịt tươi sống sang các nước rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư chế biến các sản phẩm vịt đóng hộp cao cấp và đầu tư vào trứng vịt muối để tiếp cận các thị trường. Vùng ÐBSCL, nơi đàn vịt lớn nhất cả nước với hơn 25 triệu con, chiếm 37% tổng đàn. Riêng Ðồng Tháp nuôi khoảng 5 triệu con, chiếm 13,5%. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến hành liên kết nuôi - chế biến - tiêu thụ theo chuỗi đối với sản phẩm vịt. Phong trào nuôi vịt an toàn sinh học, đầu tư chuồng trại, nuôi vịt tập trung cũng được khuyến khích trong hoàn cảnh nuôi vịt thả đồng đã quá tải. Các ngân hàng cũng đã và đang cho các trang trại và hộ nuôi vịt tiếp cận nguồn vốn thông qua hội nông dân. Việc ưu đãi vốn vay cho ngành chăn nuôi vịt được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để phát triển ngành chăn nuôi vịt lên tầm cao mới, hướng tới các sản phẩm vịt có chất lượng cao và có giá trị xuất khẩu. 

Sản phẩm vịt của Việt Nam sản xuất ra chủ yếu để tiêu thụ nội địa, tỷ trọng xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 10% trong tổng sản lượng đàn gia cầm. 

  


 

Nguyễn Anh/nguoichannuoi.vn