Chàng trai 9X với biệt danh "tỷ phú bồ câu"
- Thứ bảy - 11/07/2015 09:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ khi ăn nên làm ra với loài vật nuôi này, người dân gọi anh là “tỷ phú bồ câu”.
Năm 2008, trên diện tích 130 m2, anh Sơn đầu tư 20 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi bồ câu bài bản. Sau đó anh tìm đến Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định để được tư vấn và mua chim giống.
Tại đây, anh mua được 30 cặp chim giống bồ câu Pháp về nuôi. Thời gian đầu, do chưa am hiểu về đặc tính của loài chim này, đặc biệt chưa biết chọn thức ăn “khoái khẩu” với bồ câu nên hạn chế quá trình sinh trưởng của đàn.
“Nhiều lúc trứng chim đang ấp bị ung, chim non chết mà tôi không biết xử lý thế nào. Bồ câu nuôi đã lớn bị bệnh nhưng do không phát hiện kịp thời nên cũng chết, đàn chim cứ hao hụt dần, giảm gần 1/3 so với lúc mua về.
Để khắc phục nhược điểm này, cả ngày lẫn đêm tôi dành thời gian chỉ để quan sát, ghi chép thông tin về mọi thay đổi, quá trình sinh hoạt của giống bồ câu này.
Tìm hiểu thêm thông tin của loài bồ câu Pháp từ các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Để học hỏi kinh nghiệm, tôi đích thân tìm đến các mô hình nuôi bồ câu Pháp thành công trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu.
Sau khi nắm bắt được quy trình nuôi, đàn bồ câu của tôi phát triển ổn định, thời gian sau tăng dần lên đến 100 cặp. Đến khi đó, tôi bắt đầu xuất bán cả chim thịt lẫn chim giống để lấy vốn tái đầu tư”, anh Sơn chia sẻ.
“Trong 2 dãy chuồng nhà tôi đang có 300 cặp bồ câu Pháp. Thường xuyên mỗi tháng tôi xuất bán khoảng 60% tổng đàn, sau đó tiếp tục gây đàn. Bồ câu thịt hiện có giá từ 90.000 - 110.000 đ/cặp, bồ câu giống có giá khoảng 200.000 đ/cặp 2 tháng tuổi. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi ròng trên 12 triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay, năm nào tôi cũng thu về trên 100 triệu từ mô hình này”, anh Sơn cho biết.
Hiện gia trại nuôi bồ câu Pháp của anh Sơn có 2 hệ thống chuồng khá kiên cố và khang trang, 1 dãy chuồng chuyên nuôi bồ câu thịt và 1 dãy dành cho đàn bồ câu giống với tổng diện tích hơn 130 m2. Bồ câu được tách nuôi riêng từng ô để tiện theo dõi dịch bệnh và chăm sóc.
Theo anh Sơn, giống bồ câu Pháp không khó nuôi, nhưng người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến sự thoáng đãng của chuồng trại. Chuồng chim phải đầy đủ ánh sáng và luôn được vệ sinh sạch sẽ.
Do đặc tính sinh trưởng, bồ câu Pháp phải được cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Đây là giống phàm ăn nên cho ăn phải đầy đủ với các loại nông sản như lúa, gạo, bắp nghiền…
Anh Sơn chia sẻ kinh nghiệm: “Trộn thức ăn với tỷ lệ 1 cám - 1 bắp - 2 lúa. Cám cho bồ câu ăn phải là cám gà đẻ chứ không nên cho ăn cám gà thịt. Bởi vì cám gà đẻ chỉ chứa đạm, cám gà thịt thì chứa nhiều chất béo, nếu bồ câu mẹ ăn vào dễ làm tắc đường sinh sản, sau đó bồ câu con sẽ có nhiều mỡ, ăn không ngon khiến người tiêu dùng không ưng”.
Theo anh Sơn, bồ câu Pháp là loài rất ít dịch bệnh, thường thì một tuần vệ sinh chuồng trại một lần, nuôi 6 tháng là chúng bắt đầu sinh sản. Một cặp chim bồ câu sinh sản có thể tới 7 - 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng/ổ. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày và đến khi chim có thể bán được tổng cộng là 45 ngày.
So với bồ câu sẻ thì nuôi bồ câu Pháp có nhiều lợi thế hơn, cùng một chế độ ăn uống, chăm sóc, thời gian sinh trưởng nhưng khi xuất bán bồ câu Pháp luôn đạt trọng lượng cao hơn bồ câu sẻ, giá cũng cao hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/cặp.