Chàng trai dân tộc Nùng thu hàng trăm triệu mỗi năm trên vùng đất nghèo

Chàng trai dân tộc Nùng thu hàng trăm triệu mỗi năm trên vùng đất nghèo
Quản Bạ là một trong 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá và là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần).

Anh Cháng Thìn Lù đang giới thiệu về kinh nghiệm nuôi ong mật bạc hà

Chính trên mảnh đất còn vô vàn khó khăn này xuất hiện những tấm gương điển hình trong vượt khó làm giàu của những chàng trai người dân tộc thiểu số.Đó là mô hình phát triển kinh tế tổng hợp theo qui mô trang trại của chàng trai Cháng Thìn Lù, dân tộc Nùng, thôn Thanh Long xã Thanh Vân.

Năm 2006, qua tìm hiểu khu đất của trang trại hiện nay, anh Lù nhận thấy, khí hậu ở địa phương tuy có nhiều khắc nghiệt so với nơi khác, nhưng vẫn có thể phát triển kinh tế theo mô hình vườn, ao, chuồng (VAC). Từ những đánh giá và khảo sát ban đầu, anh Lù đã bàn với gia đình về kế hoạch và chủ trương phát triển kinh tế trang trại của mình. Được gia đình đồng tình ủng hộ, vào cuối năm 2006, anh bắt tay vào cải tạo đất đồi có diện tích trên 1,5 ha để trồng 140 cây hồng không hạt và trên 300 gốc chanh. Sau hơn một năm, nhận thấy hồng không hạt và cây chanh phát triển tốt, phù hợp với đất đai và khí hậu nơi đây, anh Lù tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích của cả 2 loại cây trồng này. Sau hơn 3 năm, đến năm 2010, trang trại của anh Lù đã có trên 500 cây chanh và khoảng 600 cây hồng không hạt.
 
Không chỉ phát triển cây hồng và chanh, đến đầu năm 2011, anh Lù tiếp tục phát triển nuôi trên 200 đàn ong lấy mật, đào và cải tạo được trên 5.000 m2 ao thả cá và phát triển chăn nuôi thêm lợn, gà, bò để lấy nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng trong trang trại.
 
 Anh Lù cho biết: Ở miền núi do có thế mạnh là nguồn đất rộng, tuy khí hậu khắc nghiệt nhưng nó lại tạo ra những nông sản và thực phẩm đặc sản như hồng không hạt, gà xương đen và bò vàng….Vì vậy, nếu biết tận dụng những lợi thế này để phát triển kinh tế thì sẽ mang lại nguồn thu nhập cao. Bên cạnh đó, cần phải chịu khó học hỏi kiến thức qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, các tài liệu về chăn nuôi, trồng trọt và nhất là các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, cũng cần phải tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của thị trường để có những định hướng phát triển kinh tế cho phù hợp.
 
Anh Lù cho biết, từ năm 2013 đến nay trung bình tổng thu nhập từ trang trại mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá, phân bón cho cây trồng, công lao động…) còn lãi từ 350 đến 400 triệu đồng.
 
Vì trang trại vẫn còn nguồn đất nên sắp tới anh sẽ khoanh vùng để nuôi thêm lợn rừng và phát triển nuôi nhím. Vì nguồn thực phẩm này khá kham hiếm và đang trở thành đặc sản có giá bán khá cao trên thị trường hiện nay.
 
Từ những thành tích đạt được, anh Cháng Thìn Lù đã được UBND, Hội Nông dân huyện Quản Bạ và Tỉnh Đoàn Hà Giang biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen.
 
Theo Văn Phú/ HND