Chị Thắng chăn nuôi giỏi

Chị Thắng chăn nuôi giỏi
Về xã Thanh Hưng huyện Điện Biên (Điện Biên) hỏi đến chị Nguyễn Kim Thắng ở đội 11 được nhiều người biết đến là một người phụ nữ cần cù, đảm đang chịu khó và liều lĩnh. Chính cái sự mạnh dạn, liều lĩnh ấy đã làm nên sự thành công của chị như ngày hôm nay và trở thành một điển hình xuất sắc để bà con học tập.

Tham quan khu chăn nuôi lợn thịt chủa gia đình chị Thắng
Trong khi nhiều hộ nông dân bỏ chuồng vì cho rằng chăn nuôi lợn không hiệu quả và thua lỗ do dịch bệnh thì ngược lại trang trại chị Thắng vẫn đứng vững và không ngừng được mở rộng phát triển chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Năm 1997 lên Điện Biên lập gia đình cuộc sống còn bộn bề khó khăn, qua người quen giới thiệu gia đình chị mua được 5.000 m2 đất, trồng lúa, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày, nuôi 6 con lợn thịt và 2 con lợn nái. Cuộc sống của gia đình chị càng ngày càng vất vả khi 2 cháu nhỏ lần lượt ra đời, chính vì vậy chị càng phải lo nghĩ nhiều hơn. Năm 2008 bằng sự mạnh dạn và quyết tâm làm giàu cộng với kinh nghiệm từ nhiều năm chăn nuôi, chị Thắng quyết định vay thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp 100 triệu đồng xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp. Trên diện tích 5.000m2, chị đã xây dựng thành 1 khu chuồng nuôi lợn thịt với 3 dãy và 1 khu chuồng nuôi lợn sinh sản, một khu chuồng nuôi gà, vịt thịt và đào ao nuôi cá.

Dãy chuồng lợn rộng 2.000m2, được xây dựng đảm bảo “đông ấm, hè mát”, và duy trì nuôi cho đến nay trung bình 200 – 250 con lợn/lứa, mỗi năm 2 lứa. nuôi 15 lợn nái sinh sản mỗi năm đẻ 2 lứa, Dãy chuồng vịt rộng 1.200m2, nuôi 1000 -1500 vịt/lứa, mỗi năm 3 lứa. Ao cá rộng 1.600 m2, nuôi đủ các loại cá để tận dụng nguồn thức ăn từ chất thải chăn nuôi. Mỗi năm chị Thắng xuất ra thị trường khoảng 30 tấn lợn thịt, 10 tấn vịt thịt. Năm nay chị cũng đầu tư nuôi thêm 300 con gà thịt và dự định mở rộng quy mô trong thời gian tới. Doanh thu từ các hoạt động chăn nuôi tổng hợp khoảng hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí lãi hơn 200 trăm triệu đồng/năm. Đồng thời trang trại của chị cũng tạo việc cho 3 nhân công lao động, với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Để có nguồn thức ăn đảm bảo, giảm bớt chi phí chị mua tại các đại lý cấp 1 của thành phố Điện Biên và ký hợp đồng với hãng thức ăn gia súc có uy tín ở Hà Nội. Vào thời điểm giá thức ăn hỗn hợp tăng cao rất khó khăn cho chăn nuôi, chị đã khắc phục bằng cách kết hợp tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như thóc, sắn, ngô bột mà chị đã mua dự trữ trước đó chị mua một cái máy nghiền và phối trộn với loại thức ăn đậm đặc giàu dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết được phép sử dụng, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho đàn vật nuôi phát triển. Đối với chuồng trại, chị vệ sinh sạch sẽ, ra vào phải vệ sinh khử trùng. Bên cạnh đó, định kỳ tiêm vắc xin cho vật nuôi. Đặc biệt, chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để: Phân khô thì cho xuống hố, sau đó bán cho người dân làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước thải được cho vào bể bioga để làm khí đốt phục vụ gia đình.
 
Hiện tại, trang trại của chị Thắng đang có 3 bể bioga xử lý chất thải, dung tích 16m3/bể, vừa hạn chế được dịch bệnh, vừa tiết kiệm được chi phí và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ vậy mà lợn giống và lợn thương phẩm của gia đình chị luôn bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng.
 
Tham quan trang trại chị Thắng thấy rằng, yếu tố quyết định thành công của mô hình này là: Chị đã cần cù học hỏi và vận dụng sáng tạo tiến bộ kỹ thuật vào trong chăn nuôi, đầu tư hệ thống tiêu độc khử trùng cho chuồng nuôi hoàn chỉnh, quản lý tốt sức khỏe vật nuôi thông qua việc cho ăn đủ về lượng, đảm bảo về chất.
 
Sau nhiều năm nỗ lực sản xuất chăn nuôi chị Nguyễn Kim Thắng đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, đời sống gia đình được cải thiện và nâng cao, nhiều năm liền được Hội Nông dân các cấp khen thưởng là nông dân tiêu biểu trong lao động sản xuất. Đặc biệt năm 2012 chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích nông dân lao động, sản xuất kinh doanh giỏi. Chị là tấm gương sáng về một người nông dân chịu khó, cần cù, phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi để bà con trong và ngoài xã học tập.
Theo Hội Nông dân