Chỉ bán quả từ 163 cây sầu riêng mà lãi ròng 300 triệu đồng

Chỉ bán quả từ 163 cây sầu riêng mà lãi ròng 300 triệu đồng
Ông Bàn Văn Hoa, buôn Ea Tar, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cho hay, năm nay vườn sầu riêng trồng xen với cà phê của gia đình lại thắng lớn bởi năng suất, sản lượng khá cao, giá bán tốt. "Tôi bán quả từ 163 cây sầu riêng mà lãi ròng tới 300 triệu đồng"...

Sầu riêng bị sâu bệnh, quả ít, quả bé, ông Bàn Văn Hoa định chặt bỏ. Nhưng nghĩ tiếc của, ông đành khăn gói đi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng sầu riêng và cải tạo thành công vườn sầu riêng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Bàn Văn Hoa kể, như nhiều hộ dân trên địa bàn xã, ông Bàn Văn Hoa cũng trồng sầu riêng xen trong 2 ha cà phê từ năm 1997. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vườn sầu riêng bị sâu bệnh, cây chết nhiều, cây sống thì năng suất rất thấp. Thấy trồng sầu riêng không hiệu quả, ông Hoa đã có ý định chặt toàn bộ sầu riêng để chuyển sang cây trồng khác có giá trị  kinh tế cao hơn song tiếc công sức đã bỏ ra, vợ chồng lại cố gắng tìm hướng khắc phục.

Năm 2013, ông Hoa cất công đến tận huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) nơi có phong trào trồng sầu riêng phát triển mạnh để trực tiếp tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng với vườn cây của gia đình. Sau thời gian chăm sóc, vườn sầu riêng bắt đầu phát triển tốt, năng suất năm đó được nâng lên đáng kể, thu nhập gần 100 triệu đồng – mức thu nhập lớn nhất gia đình đạt được sau hơn 10 năm gắn bó với loại cây này.

 chi ban qua tu 163 cay sau rieng ma lai rong 300 trieu dong hinh anh 1

Ông Bàn Văn Hoa trong vườn sầu riêng của gia đình.

Từ kết quả thu được, ông Hoa đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm hàng trăm cây sầu riêng, nâng tổng số lên 480 cây và đều trồng xen trong vườn cà phê, tiêu, với diện tích 4,3 ha, trong đó có 163 cây đang cho thu hoạch. Theo ông Bàn Văn Hoa, trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại cây khác nhưng đây là loại cây không dễ trồng và rất khó tính, đòi hỏi người nông dân phải cần mẫn, có kiến thức về khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn...

Ông Hoa chia sẻ: “Mỗi năm, vào 6 tháng mùa khô, gia đình tôi tưới 30 đợt nước; bón phân chủ yếu là phân vi sinh, đến khi đậu quả, cho trái thì mới bổ sung thêm phân hóa học; phòng bệnh cho cây mỗi năm thực hiện 2 - 3 đợt, chủ yếu là bệnh nấm Phytophthora, nấm hồng…”.

Nhờ đầu tư chăm sóc vườn cây đúng kỹ thuật, nên những năm qua cây sầu riêng của gia đình ông Hoa luôn phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Năm nay, dù hầu hết các vườn sầu riêng ở địa phương đều mất mùa nhưng ông Hoa vẫn thu được hơn 15 tấn sầu riêng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình vẫn thu lãi hơn 300 triệu đồng. Vườn sầu riêng của gia đình ông Hoa đã trở thành địa điểm được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Theo Trung Dũng (Báo Đắk Lắk)