Chủ đất - Chủ hoa

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi của “chủ đất - chủ hoa” đã dần trở nên quen thuộc với người dân xã Chiềng Xôm (Thành phố). Năm 2003, một số hộ dân thuộc bản Tông, xã Chiềng Xôm đã cho một số hộ dân có kinh nghiệm trồng hoa ở nơi khác thuê lại những phần đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng hoa hồng, rau sạch,... Sau đó, người dân trực tiếp học hỏi những kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để phát triển mô hình sản xuất này trên mảnh đất của mình. Với những hiệu quả kinh tế đem lại, mô hình trồng hoa hồng tại xã ngày càng được nhân rộng và thu hút thêm nhiều người dân các bản lân cận như bản Hụm, bản Panh tham gia.
Người dân ở bản Panh Mong, xã Chiềng Xôm (Thành phố) thu hoạch hoa hồng.

Dừng chân tại vườn hoa rộng hơn 3000m² của gia đình ông Lưu Văn Quang tại bản Panh Mong, xã Chiềng Xôm, chúng tôi được chiêm ngưỡng những cây hồng đang vào thời điểm ra nụ to và đẹp, do khí hậu mùa thu mát mẻ, se lạnh vào sáng sớm và đêm về. Được biết, ông vốn là người Mê Linh - vùng trồng hoa có tiếng ở Hà Nội, nhưng do đất quê nhà hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa hè, khí hậu khô nóng khiến cây hoa hồng ra nụ bé, kém sắc và không được giá. Năm 2012, ông Quang cùng gia đình đem cây giống và kỹ thuật lên Sơn La, tìm đến những mảnh đất rộng lớn và màu mỡ tại xã Chiềng Xôm lập nghiệp. Trò chuyện với ông Quang, được biết: Điểm thu hút nhất để ông đầu tư nghề trồng hoa ở đây là khí hậu mát mẻ, thích hợp để trồng hoa hồng, thêm nữa, nơi đây có diện tích đất trồng lớn.

Hợp đất, hợp khí hậu, vườn hoa của ông phát triển và ngày càng được mở rộng. Sau gần sáu năm, vườn hoa trở thành một trong những nguồn cung cấp hoa dồi dào cho các đại lý ở Thành phố và các tỉnh lân cận. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông cơ bản đã thu hồi đủ số vốn đầu tư, thu lợi nhuận trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng cây hoa hồng ngày càng phát triển, không chỉ riêng gia đình ông Quang, mà nhiều người dân Hà Nội quyết định đem giống cây hoa này lên trồng. 

Được biết, hầu hết đất trồng hoa hồng, trước đó người dân xã Chiềng Xôm sử dụng đất để cấy lúa, nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 2 nghìn đồng/1m². Hiểu được khó khăn của người dân trong xã, đồng thời nắm được tiềm năng về đất đai, điều kiện thuận lợi của khí hậu Sơn La đối với việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây hoa hồng, lãnh đạo xã Chiềng Xôm đã ủng hộ, khuyến khích việc người dân hợp tác với những người gốc Hà Nội có nhu cầu phát triển mô hình trồng hoa hồng trên địa bàn. Cùng với đó, với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, những người dân ở Mê Linh (Hà Nội) có kinh nghiệm nhận biết sự thay đổi của thời tiết, biết được các loại bệnh có thể xảy ra với cây hoa để có cách phòng tránh và chăm sóc, hạn chế thấp nhất rủi ro. Kết hợp giữa điều kiện thuận lợi về đất, nước, khí hậu của Sơn La, cùng với kinh nghiệm và kỹ thuật tốt để tạo hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng hoa. Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi của “chủ đất - chủ hoa” khiến mô hình trồng hoa hồng tại xã Chiềng Xôm ngày càng phát triển, với quy mô ngày một lớn. Đầu ra của sản phẩm cũng được mở rộng hơn, ngoài phục vụ trong tỉnh, hoa được xuất đi nhiều tỉnh thành trong đó có Hà Nội. 

Ông Lù Văn Pản, bản Tông, chủ một mảnh đất rộng 1500 m² đã chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hoa hồng dưới sự đầu tư vốn, cây giống và kỹ thuật của người dân Hà Nội. Sau đó, trên chính mảnh đất ấy, ông cùng với “chủ hoa” làm cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch,... Sự “hợp tác” này vừa giúp người dân khai thác hiệu quả diện tích đất màu mỡ, tạo hiệu quả kinh tế cao, vừa học hỏi được những kỹ thuật chăm bón hoa; đảm bảo về việc làm và thu nhập. Ông Pản tính toán: Mỗi ngày công đem lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 130.000 đồng/người/ngày, cộng với số tiền cố định từ cho thuê đất, tính ra thu nhập tốt hơn nhiều so với cấy lúa. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lù Văn Thiện, Chủ tịch UBND Xã Chiềng Xôm cho biết: Nắm bắt chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố về việc chỉ đạo chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là trồng rau sạch và hoa, lãnh đạo xã đã tạo điều kiện để hỗ trợ người dân chuyển đổi, phát triển, mở rộng mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Từ khi mô hình “chủ đất - chủ hoa” phát triển và mở rộng trên xã Chiềng Xôm, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, nâng thu nhập bình quân đạt khoảng 29 triệu đồng/người/năm. Nhờ đó, góp phần giúp Chiềng Xôm từ một xã nghèo vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: http://www.baosonla.org.vn