Chuyển biến của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi sau 5 năm tái cơ cấu

Chuyển biến của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi sau 5 năm tái cơ cấu
Sau 5 năm (2013-2018) triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Quảng Ngãi bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp năm 2017 so với năm 2013 tăng bình quân 6,3%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Trong cơ cấu nội bộ nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng lên.
 
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Xây dựng 305 cánh đồng lớn sản xuất lúa
 
Trong những năm qua, ngành trồng trọt đã và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch các loại cây trồng chủ lực như lúa, mía, mì; cơ cấu lại các loại cây trồng chủ lực; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn; thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, hiệu quả cao, giá thành hạ.
 
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 305 cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 5.493ha. Về chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, trong 5 năm (2013-2018), toàn tỉnh đã thực hiện 5.189ha.
 
Giá trị sau thu hoạch trên 01ha đất canh tác có xu hướng tăng nhanh qua các năm, năm 2017  ước đạt trên 71,6 triệu đồng/ha/năm, cao hơn năm 2013 khoảng 16 triệu đồng/ha. Có trên 800ha thực hiện các mô hình luân canh, xen canh có giá trị sau thu hoạch từ 210-270 triệu đồng/ha.
 
Tham quan mô hình chuyển đổi lúa – lạc tại HTX Vĩnh Trường, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
Tham quan mô hình chuyển đổi lúa – lạc tại HTX Vĩnh Trường, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực: bò thịt, trâu thịt
 
Đàn gia súc, gia cầm đến nay có 69.714 con trâu,  278.253 con bò, trong đó tỉ lệ bò lai 66,5%; 401.135 con heo; trên 5,1 triệu con gia cầm. So với năm 2013, đàn trâu tăng 14,9%, đàn bò tăng 1,3% (trong đó tỉ lệ bò lai tăng 19,7%); đàn gia cầm tăng 19,2%.
 
Giá trị sản xuất trong chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Nhìn chung, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bước đầu đã xác định được sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực, đó là bò thịt và trâu thịt.
 
Trồng mới khoảng 12.000ha rừng/năm
 
Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực theo hướng chuyển từ sản xuất chỉ chú trọng phát triển về diện tích và độ che phủ của rừng sang hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững. Diện tích rừng sản được tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, thực hiện các dự án trồng rừng như: WB3, KFW6, JBIC, PACSA2, JICA2... Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới khoảng 12.000ha rừng, trong đó có khoảng 1.000ha rừng phòng hộ; khoanh nuôi từ 1.000-3.000ha, bảo vệ khoảng 125.000ha.
 
Về phát triển trồng rừng cây gỗ lớn, diện tích trồng trong dân chưa phổ biến. Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đã đang chuyển hóa trên 2.500ha keo từ 6-7 năm tuổi sang rừng gỗ lớn (hơn 10 năm tuổi). Ước giá trị sau thu hoạch sẽ cao gấp 3-3,5 lần so với rừng trồng 5-6 năm tuổi.
 
Hiện nay, ngành đang thực hiện Dự án nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa Trà Bồng; lập quy hoạch chi tiết hai khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên trên cạn là khu Tây huyện Ba Tơ và khu Tây huyện Trà Bồng...
 
Tăng khai thác thủy sản xa bờ
 
Khai thác thủy sản là thế mạnh của kinh tế Quảng Ngãi. Trong những năm qua, khai thác thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.667 chiếc tàu cá, tăng 502 chiếc so với năm 2013. Tổng công suất tàu cá đạt 1,61 triệu CV. Sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 191.000 tấn tăng 30,8% so với năm 2013
 
Thực hiện theo Nghị định 67/NĐ-CP, có 69 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ theo chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá. Đến nay đã có 66/69 chiếc triển khai các thủ tục và đóng mới, trong đó có 64 chiếc hoàn thành đưa vào khai thác (gồm 10 tàu cá vỏ thép, 01 tàu vỏ composite, 53 tài vỏ gỗ).
 
Nhìn chung, khai thác thủy sản phát triển đúng định hướng tái cơ cấu của ngành. Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, áp dụng các tiến bộ công nghệ trong khai thác, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày càng hiện đại.
 
Chế biến sản phẩm, cơ giới hóa trong sản xuất
 
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 110 doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến nông lâm thủy sản với các mặt hàng chính như: đường, nha, tinh bột mì, gỗ xẻ, gỗ xây dựng cơ bản…
 
Tình hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong những năm qua có tăng nhanh so với các năm trước, nhất là máy làm đất, máy gặt đập, máy bơm nước…, góp phần đáng kể trong việc giải phóng sức lao động nặng nhọc, hạn chế thất thoát sản phẩm sau thu hoạch, góp phần hạ giá thành sản phẩm.
 
41 xã đạt 19 tiêu chí NTM
 
Bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng NTM và các nguồn vốn lồng ghép khác, các địa phương đã triển khai thực hiện hơn 500 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất các loại, gồm nuôi bò cái lai sinh sản, bò vỗ béo; nuôi gà thịt; sản xuất, hỗ trợ giống lúa lai; cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu; trồng thanh long ruột đỏ; trồng tỏi theo hướng an toàn; xây dựng cánh đồng mẫu; hỗ trợ máy băm đất, máy gặt đập liên hợp; máy phun thuốc khử trùng tiêu độc...
 
Về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đến nay có 41 xã đạt 19 tiêu chí, 14 xã đạt 15-18 tiêu chí, 56 xã đạt 10-14 tiêu chí,...
 
Ngày 06/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm (2013-2018) thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
 
Tại hội nghị, các đơn vị liên quan đã tham luận về tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV; chăn nuôi, thú y; thủy sản; thủy lợi và tham luận của các huyện Mộ Đức, Sơn Hà.
 
Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao Bằng khen cho 12 tập thể và 09 cá nhân và Giấy khen của Sở NN

 

Theo Hải Yến/baokinhtenongthon