Chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

HNP - Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm đang là một trong những mối quan tâm chung của toàn xã hội, nhất là khi cơ quan chức năng mới đây phát hiện hàng loạt những vi phạm về ATVSTP. Để hạn chế những tồn tại này, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã có nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác quản lý góp phần đảm bảo các sản phẩm khi đưa ra thị trường có chất lượng tốt, an toàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng nông sản
Xác định nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản (NLTS) có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm ATTP, Chi cục Quản lý chất lượng NLTS đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP. Trong thời gian qua, Chi cục đã tổ chức 13 lớp tập huấn kiến thức về lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt và chất lượng ATTP với hàng trăm lượt người tham gia; xây dựng các phóng sự tuyên truyền về lĩnh vực quản lý chất lượng NLTS, các vấn đề phát triển chuỗi sản xuất và giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh…
 
Cùng với đó, Chi cục đã xây dựng và duy trì trên 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựn, qua đó, đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... 
 
Đến nay, Chi cục đã cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn Thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi, giảm 5 điểm kinh doanh trong chuỗi do chuyển địa điểm và ngừng hoạt động.
 
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được Chi cục tích cực triển khai. Năm 2018, hoạt động giám sát ATTP được tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao. Các đơn vị của Sở đã tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy 2.569 mẫu NLTS, trong đó, phát hiện 192 mẫu vi phạm, chiếm 7,47%. 
 
Việc tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố đã được các đơn vị của Sở kết hợp thông qua việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát và việc thanh kiểm tra chuyên ngành, đột xuất. Kết quả, đã lấy 238 mẫu sản phẩm chế biến để kiểm tra chất lượng, phát hiện 06/238 mẫu vi phạm (chiếm 2,52%),
 
Theo ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS: ngoài việc kiểm tra thực phẩm, chi cục và các đơn vị của Sở cũng tổ chức kiểm tra các nguyên liệu đầu vào, như :thanh, kiểm tra chất cấm, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đã xử lý vi phạm hành chính 20 cơ sở với số tiền 148.122.158 đồng về hành vi nhãn hàng hóa, điều kiện kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, bán sản phẩm, hàng hóa là thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa ...
 
Theo báo cáo, riêng trong quý 1 năm 2019, các lực lượng thanh tra ngành Nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 77 tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP. Qua kiểm tra đã phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu như sản xuất kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo điều kiện trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 tổ chức với số tiền hơn 231 triệu đồng. Ngòai ra, từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị của Sở đã phối hợp với đoàn liên ngành quận, huyện kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y 4.748 lượt cơ sở, cảnh cáo 103 trường hợp, phạt tiền 163 trường hợp với số tiền 357.339.000 đồng, tiêu hủy 79 trường hợp.
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt về an toàn các sản phẩm nông lâm thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tiếp tục tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ủng hộ những sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận. Ðồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất chất lượng, chuỗi liên kết; tăng cường kiểm định giám sát chất lượng sản phẩm.

Lê Tâm
https://hanoi.gov.vn