Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô: Hướng đi đúng

Nhận thấy ưu thế của cây ngô, từ năm 2015 đến nay, 6 địa phương miền Đông của tỉnh tích cực chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản theo Đề án “Chuyển đổi diện tích lúa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2017”.


Cây ngô có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi rộng, năng suất cao, ít sâu bệnh và thị trường tiêu thụ ổn định nên có lợi thế trong việc bố trí mùa vụ. Đây cũng là loại sản phẩm thị trường trong tỉnh có nhu cầu cao để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, với khoảng 250.000 tấn/năm, tuy nhiên sản lượng canh tác thực tế trên địa bàn mới đạt 23.000 tấn/năm, đáp ứng được gần 10%.

Khu vực miền Đông gồm 6 huyện (Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và Móng Cái) có diện tích tự nhiên chiếm khoảng 48,19% diện tích toàn tỉnh, với cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, song hiệu quả sản xuất lĩnh vực trồng trọt còn thấp so với các khu vực khác. Cụ thể đối với cây trồng chính là lúa chủ yếu được trồng 1 vụ, vào vụ mùa với cơ cấu giống chủ yếu là Khang Dân 18 và Bao Thai, năng suất bình quân đạt 3,2- 3,5 tấn/ha, có nơi chỉ đạt 2 tấn/ha. Thế nhưng đối với cây ngô, đây là địa bàn trồng tập trung chủ yếu với tổng diện tích trên 4.500ha, chất lượng, sản lượng ngô hạt đạt khá.

Cây ngô sinh khối trồng tại huyện Đầm Hà cho giá trị kinh tế cao
Cây ngô sinh khối trồng tại huyện Đầm Hà cho giá trị kinh tế cao.

Nhận thấy ưu thế trên, từ năm 2015 đến nay, 6 địa phương miền Đông của tỉnh tích cực chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản theo Đề án “Chuyển đổi diện tích lúa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2017”. Mục tiêu cụ thể là trong 3 năm, các đơn vị tổ chức tập huấn giới thiệu kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống ngô mới; xây dựng mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản với quy mô 1.679ha (gồm 45ha mô hình trình diễn và 1.634ha nhân rộng); ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động; xây dựng kho chứa, nhà sơ chế tại 6 điểm thu mua (1 điểm/huyện) nhằm tạo các đầu mối thu gom, sơ chế sản phẩm...

Thực tế trong 2 năm gần đây các địa phương đã tổ chức được 35 lớp tập huấn kỹ thuật cho 2.029 lượt nông dân; hỗ trợ 20 máy làm đất, 7 máy tẽ ngô, nhờ đó đã giảm 50% - 70% chi phí đồng thời giúp nông dân chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, giảm áp lực về lao động mỗi khi vào vụ mới. Mới đây, huyện  Ba Chẽ đã hỗ trợ 1 nhà xưởng sơ chế ngô qui mô 30m² với 1 máy tẽ hạt công suất 5-7 tấn/giờ, 1 máy sấy công suất 2-5 tấn/giờ cho nông dân. Việc này đã giúp nông dân chủ động trong việc phơi sấy ngô khi thời tiết có độ ẩm cao, giảm tỷ lệ bị ẩm mốc, nâng cao chất lượng ngô sau thu hoạch.

Nhờ những động lực trên, đến thời điểm này 6 địa phương khu vực miền Đông đã nhân rộng thêm diện tích trồng ngô lên 1.000ha; năng suất đạt 50 tạ/ha (cao nhất 70 tạ/ha); doanh thu đạt 35-50 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 5 - 20 triệu đồng so với trồng lúa; lãi cao hơn trồng lúa từ 7-10 triệu đồng/ha.

Có thể nói việc chuyển đổi diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản là hướng đi đúng đắn, kịp thời không chỉ giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng các giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tiếp cận với phương thức sản xuất mới mà còn là giải pháp tăng giá trị cho các diện tích đất lúa 1 vụ, đất không chủ động nguồn nước tưới. Để tiếp tục phát huy hướng sản xuất này, tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương nên tiếp tục có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tạo vùng sản xuất ngô tập trung, trở thành hàng hóa có giá trị.

Theo Chu Văn Trí/baoquangninh.com.vn