Chuyển đổi mô hình VAC để chủ động hội nhập

Chuyển đổi mô hình VAC để chủ động hội nhập
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam với mô hình kinh tế VAC đã có những bước tiến đáng kể. Từ những mảnh vườn, khu chuồng nhỏ để cải thiện bữa ăn gia đình, mô hình kinh tế VAC dần phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, mô hình này cũng cần có sự chuyển dịch hợp lý.
 

GS.TS.Ngô Thế Dân (bên phải) kiểm tra sự phát triển của cây ăn quả trong mô hình VAC.

Thưa ông, ông có thể đánh giá vài nét về bước tiến và vai trò của mô hình kinh tế VAC trong từng giai đoạn phát triển?

Trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, muốn thành công phải dùng biện pháp làm điểm trình diễn để chỉ đạo diện, như nhen nhóm một đốm lửa rồi thổi lên thành đám cháy lớn. Chỉ đạo phong trào làm kinh tế VAC do HLV Việt Nam đề xướng và vận động cũng theo cách đó.

Trước năm 2000, do nguồn lực hạn chế, Hội dựa vào các mô hình có sẵn trong phong trào quần chúng, tổ chức tổng kết rồi nhân rộng thành phong trào, nhưng cách làm này thường xảy ra tình trạng, một điểm làm tốt, có nhiều tổ chức đến tổng kết báo cáo, không có mô hình nào là của riêng HLV. Để khắc phục tình trạng này, Hội đã thay đổi cách làm, với số kinh phí khuyến nông hoặc từ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, Hội chọn ra một số vấn đề là yếu tố hạn chế nằm trong nhiệm vụ chiến lược phát triển nông nghiệp ở mỗi địa phương, xây dựng thành dự án VAC. Mỗi năm chọn 10 -15 dự án ở một số tỉnh rồi theo chế độ luân phiên hàng năm. Sau 5 năm, Hội có mô hình điểm ở tất cả các tỉnh trong cả nước.

Từ sau năm 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT thay đổi cơ chế quản lý khuyến nông, không giao cho Hội làm đầu mối, chủ động xây dựng các dự án khuyến nông mà giao dự án có sẵn ở một địa phương cho HLV thực hiện trong 3 năm. Cách làm này phù hợp với khuyến nông cây lâu năm, cây ăn quả và thuận tiện cho nghiệm thu đánh giá hiệu quả dự án khuyến nông.

Theo tôi, những dự án mô hình làm VAC của HLV thực hiện thời gian qua có những đặc điểm như: Các thành tố của mô hình nằm trong một hệ sinh thái khép kín, 3 hợp phần vườn, ao, chuồng trong khuôn viên hộ gia đình, gia trại, trang trại có mối quan hệ biện chứng, yếu tố nọ chi phối yếu tố kia như mối quan hệ hữu cơ. Theo lịch sử nghề vườn, khi người dân đến lập nghiệp ở một vùng đất mới thường phải đào ao lấy đất tôn cao nền nhà, tôn vườn để trồng trọt và xây chuồng trại chăn nuôi, còn ao sâu trữ nước tưới cây và nuôi cá. Mô hình này rất phổ biến ở các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Các mô hình làm VAC thường chỉ giới hạn trong khuôn viên hộ gia đình, gia trại, sản xuất tự cấp tự túc, mang đậm nét kinh tế tiểu nông nhưng có vị trí rất quan trọng đối với đời sống nông dân. Chính vì vậy, ngay sau khi thành lập, HLV Việt Nam đã chủ trương khôi phục  nghề vườn sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá và hậu quả của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, ruộng đất và tư liệu sản xuất đều được tập thể hóa làm cho nghề vườn một thời bị mai một.

Đánh giá về đề xuất và vận động phong trào làm VAC của HLV Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Tôi vui mừng thấy HLV Việt Nam đã đưa kinh tế VAC lên bước phát triển mới, chuyển từ cái vườn truyền thống tự cấp tự túc sang vườn hàng hóa xây dựng được nhiều mô hình làm VAC giỏi”.

Theo ông, đâu là hạn chế lớn nhất của mô hình kinh tế VAC do Hội triển khai trong thời gian này?

 Theo tôi, hạn chế lớn nhất của mô hình VAC trong giai đoạn này là nhỏ lẻ, phân tán, năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao và đầu ra bấp bênh, luôn xảy ra tình trạng lúc thừa lúc thiếu, “được mùa mất giá”, sản phẩm làm ra không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kinh nghiệm truyền thống, làm VAC thường đổ phế thải gia súc và người xuống ao hồ làm thức ăn cho cá, ao hồ bị ô nhiễm; ngay cả rau, quả trên vườn, thịt gia súc, gia cầm cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do sử dụng phân bón, thuốc  trừ sâu, thức ăn gia súc không đúng lúc, đúng cách.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, nền nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, mô hình VAC nhất thiết phải chuyển đổi để sản phẩm làm ra không chỉ có năng suất cao, chất lượng mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, có sức cạnh tranh mà còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong thời gian tới, HLV Việt Nam sẽ khuyến khích hội viên và nông dân phát triển mô hình kinh tế VAC theo hướng nào, thưa ông?

Chúng tôi chủ trương, khi triển khai các dự án mô hình VAC phải bao gồm cả hợp phần khí sinh học biogas (VACB). Hầm khí sinh học là giải pháp giúp khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế thải, sử dụng hợp lý phế phụ phẩm nông nghiệp, để trả lại độ phì cho đất. Xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Hội viên và nông dân phải thực hiện mô hình theo quy trình VietGAP, sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra ở mô hình này là phải tổ chức vận động nông dân, hội viên liên kết với nhau trong các HTX hoặc tổ liên kết, cùng thực hiện quy trình trồng trọt, chăn nuôi, thống nhất sử dụng cùng loại giống, cùng loại phân bón, thức ăn, cùng kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sơ chế bảo quản để sản phẩm đồng nhất và có giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, khi triển khai xây dựng mô hình, việc tìm đầu ra cho sản phẩm phải được quan tâm hàng đầu. Theo đó, mô hình VACB phải được sản xuất theo hợp đồng ký trước với các doanh nghiệp tiêu thụ, sản xuất theo kế hoạch, “sản xuất cái gì, cho ai, số lượng bao nhiêu”, khắc phục hiện tượng sản xuất tự phát, theo phong trào.

Hiện, HLV Việt Nam đang triển khai dự án mô hình VACB thuộc Chương trình  khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở 3 tỉnh miền núi Sơn La với HTX trồng rau an toàn, Bắc Giang với vải thiều và Hòa Bình với cam, tất cả đều có hợp đồng tiêu thụ ký trước lúc thực hiện.

Thực tế, nông nghiệp, mà cụ thể là mô hình kinh tế VAC, đang đứng trước cơ hội lớn. Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Mặc dù  hiện nay đầu tư cho nông nghiệp mới chiếm 5,4 -5,5% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, trong đó đầu tư của doanh nghiệp mới chiếm 1% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới chiếm 1,46% nhưng Việt Nam đã trở thành  một trong 20 nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Các quy trình kỹ thuật tiên tiến đã được các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và ban hành rộng rãi, trình độ tiếp thu khoa học công nghệ của nông dân đã có bước tiến rõ rệt và đang tích cực hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa.

Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam đã mở rộng. Sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, thị trường nông sản Việt Nam nói chung, sản phẩm VACB nói riêng, sẽ còn có nhiều cơ hội hơn. Vấn đề còn lại là nông dân, các nhà sản xuất phải tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh. Ngoài ra, các nhà sản xuất, xuất khẩu phải quan tâm tìm hiểu và biết cách tiếp cận thị trường, biết cách vượt qua các hàng rào kỹ thuật và thủ tục giao dịch quốc tế, phải theo dõi thông tin xem thị trường  nào thích sản phẩm gì? 

Thị trường tiêu thụ nông sản rộng mở nhưng thách thức to lớn đang cận kề, nếu không vượt qua, không thích ứng được thì nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm VACB nói riêng sẽ thua ngay trên “sân nhà”, hàng hóa nông sản các nước tốt hơn, rẻ hơn sẽ lấn át hàng nông sản Việt Nam.

Tóm lại, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu nói chung và mô hình sản xuất VACB nói riêng để lấy điểm chỉ đạo diện như “vết dầu loang”  trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Nơi đây tạo ra sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh sẽ tạo cơ hội cho cả nền sản xuất phát triển, tiến đến xây dựng thành công nền nông nghiệp hàng hóa.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Anh Thơ (thực hiện)

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn