Chuyển hướng chăn nuôi có hiệu quả

Chuyển hướng chăn nuôi có hiệu quả
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) ở Thái Nguyên đã xảy ra tại 15.562 hộ thuộc 2.178 thôn xóm, 174/180 xã, phường, thị trấn thuộc cả 9 huyện thành thị.

ASF đã càn quét qua hầu hết các làng mạc, đô thị của tỉnh này.

08-58-38_1
Tỉnh Thái Nguyên xác định tái cơ cấu chăn nuôi là giảm đàn lợn, tăng đàn trâu bò và gia cầm theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Thống kê từ cơ quan chức năng, tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 145.718 con với trọng lượng 8.500 tấn. Dịch bệnh đằng đẵng suốt nửa năm qua, gây thiệt hại khôn lường với người chăn nuôi song cũng tiêu tốn của địa phương hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 5/3/2019, ASF xuất hiện lần đầu tiên tại hộ chăn nuôi của anh Dương Văn Phúc ở xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình. Khi toàn bộ đàn lợn bị tiêu hủy, anh Phúc chuyển sang nuôi 400 con vịt, sau khoảng hai tháng bán lãi 12 triệu đồng. Hiện anh đang nuôi lứa vịt thứ hai với 500 con phát triển tốt.

Tương tự, sau khi lợn bị tiêu hủy do dịch ASF, gia đình anh Dương Văn Nam cũng ở xóm Cầu Ngầm chuyển sang nuôi hơn 1.000 con gà đồi, đang chuẩn bị xuất bán.

Ông Đỗ Đức Công (Bí thư Huyện ủy Phú Bình) cho biết, cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ASF thì nông dân ở những nơi có điều kiện cần chuyển hướng và đẩy mạnh chăn nuôi nuôi gà, vịt, bò, cá để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, bù đắp sản lượng thực phẩm bị thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu, ổn định thị trường ở địa phương. Huyện cũng đề nghị các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ nông dân về vốn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ chuyển sang chăn nuôi gia cầm, động vật ăn cỏ.

Đến các xã vùng gò đồi “Tứ Tân” như Tân Kim, Tân Khánh, Tân Hòa, nơi có diện tích đồi đất thấp rất lớn, dưới tán rừng, thấy chăn nuôi gà phát triển rất mạnh. Khi đàn gà còn nhỏ, nông dân nuôi bán công nghiệp, khi khi gà đã lớn thì thả nuôi dưới tán rừng để phát triển tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon. Trước khi ASF xuất hiện, đàn gia cầm của huyện là 2,5 triệu con, nhờ đẩy mạnh chăn nuôi cho nên đến nay tăng lên 3 triệu con.

Phát huy kinh nghiệm và thế mạnh vốn có, khi dịch ASF xuất hiện, ông Dương Văn Thịnh ở xóm Ngò, xã Tân Khánh mua 15 con bò về nuôi, kết hợp thức ăn thô và thức ăn tinh để vỗ béo. Dự kiến, tới đây sẽ xuất bán, mỗi con sẽ lãi vài ba triệu.

Ông Thái Quang Hải (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình) cho biết, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng đàn gia súc ăn cỏ trên địa bàn huyện đang có xu hướng tăng lên. Mặc dù ngân sách khó khăn, nhưng quan điểm của huyện  là đảm bảo hỗ trợ thiệt hại lợn bị tiêu hủy theo quy định để giảm bớt khó khăn cho nông dân. Tạo điều kiện tốt nhất để người chăn nuôi chuyển hướng sản xuất...

08-58-38_2
Thái Nguyên chuyển hướng chăn nuôi có hiệu quả.

Tỷ lệ lợn buộc phải tiêu hủy của Thái Nguyên đã chiếm tới 20,5% tổng đàn. Ông Hoàng Văn Dũng (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên) cho biết, so sánh với các địa phương nằm trong vùng 2 thì Thái Nguyên chịu thiệt hai ở mức trung bình. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2019, tỉnh đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp nhằm bù lại những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ông Dương Văn Lượng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trên thực tế, cách chuyển hướng chăn nuôi của người dân vừa qua là giải pháp tình huống, song Thái Nguyên đã xây dựng lộ trình tái cơ cấu chăn nuôi với các chính sách và giải pháp cụ thể.

"Thời gian tới sẽ đẩy mạnh kết nối cung cầu, chú trọng sản xuất theo chuỗi để chủ động đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% số trang trại chăn nuôi tập trung có liên kết chuỗi và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm", ông Dương Văn Lượng. 

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, công nghệ thông tin và tự động hóa.

Từ đó, từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật, công nghệ phù hợp, tăng cường áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn...

Ông Lê Đắc Vinh (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thái Nguyên) cho biết, cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ASF, đơn vị sẽ phối hợp tạo điều kiện cho nhà các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp gắn liền với chế biến, bảo quản phục vụ xuất khẩu.

Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững.


Theo ĐỒNG THƯỞNG - ĐÀO THANH/Nongnghiep.vn