Chuyện xây dựng nông thôn mới ở Triệu Hải
- Thứ hai - 03/09/2018 10:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi đến xã Triệu Hải, huyện Ðạ Tẻh khi mặt trời chưa chếch hướng tây. Dưới cái nắng hừng hực, đường cỏ lạc hoa vẫn rực vàng. Gần đến UBND xã, hàng cây hai bên đường vươn thẳng tắp. Bức tranh nông thôn mới ở Triệu Hải, hiện hữu những ngôi nhà xây mới, những biệt thự vườn nổi lên trên màu xanh ngút ngàn, đầy sức sống…
Tiếp chúng tôi là Bí thư Đảng ủy xã Triệu Hải - Phan Văn Đương, nước da sạm đen nhưng trông anh còn khá trẻ so với tuổi 39. Tôi mở đầu câu chuyện: “Xin hãy khoan nói đến những con số, những thành quả về xây dựng nông thôn mới. Tôi muốn nghe về sự khởi đầu”. Bí thư xã nói trong niềm vui: Gần 7 năm trước khi Đề án xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu Hải được phê duyệt, ngày 22/1/2012 Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết 02-NQ/ĐU về xây dựng nông thôn mới xã Triệu Hải giai đoạn 2011-2020. Đây là thời điểm không mấy dễ dàng vì ý dân chưa thông, lòng dân chưa thuận. Cái lý mà người dân đưa ra là không cần thiết phải xây dựng nông thôn mới. Người dân Triệu Hải gốc gác là những người xa quê từ Quảng Trị, Nam Định vào đây xây dựng vùng kinh tế mới. Bằng sức lao động, sự cần cù, chịu khó, chịu khổ, họ đã biến vùng đất hoang vu này thành làng mạc trù phú, thì cần gì phải xây dựng nông thôn mới. Có người còn nói: Nông thôn mới, nông thôn cũ đều là nông thôn, miễn sao cơm no, áo ấm, con cái học hành đến nơi đến chốn là mãn nguyện lắm rồi. Hơn nữa, xây dựng nông thôn mới thì phải đóng góp tiền của công sức, làm giảm đi nguồn tiết kiệm vốn chưa nhiều. Bí thư xã đơn cử chuyện hiến đất làm đường, đầu tiên người dân không đồng ý, họ nói đường nông thôn cần chi to, 2 chiếc xe máy tránh nhau là được, để đất bà con sản xuất còn có ích lợi hơn; trường học thì có đất công, Nhà nước phải đầu tư, chợ cần gì phải xây, ngồi đâu mua bán chả được, đôi khi còn tiện lợi hơn so với chợ tập trung… Chính vì lối nghĩ an phận đó nên việc vận động gần 600 hộ ở 8 thôn hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới thật sự khó khăn. Để thành công, Đảng ủy và UBND xã chọn giải pháp “mưa dầm thấm lâu, cày sâu tốt lúa” và xác định không thể chỉ một sớm một chiều, cần phải kiên trì. Cả hệ thống chính trị của xã quyết tâm vào cuộc, các tổ vận động được thành lập, vai trò bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức xã phải tiên phong đi đầu. Trên cơ sở đó, xã tổ chức “dựng cờ đầu” làm điểm ở một số thôn để người dân thấy. Thành công nhất phải kể đến chuyện hiến đất làm đường thôn. Khi đường làm xong, đường quang, thoáng rộng và đẹp thì các thôn khác làm theo, tự nhiên hình thành phong trào thi đua từ xã xuống thôn, từ thôn xuống xóm, từ xóm đến từng hộ dân; thôn sau làm đường to hơn thôn trước. Chưa bao giờ công tác tuyên truyền miệng được toàn dân thực hiện đồng loạt như lúc này. Đi đâu cũng nghe nói về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, ngồi đâu người ta cũng bàn về các tiêu chí nông thôn mới; họ phân tích người dân sẽ được gì, mất gì; được nhiều hay ít, mất ít hay nhiều… Cuối cùng, họ cũng nhận ra rằng cái mất của người dân cũng là để cho mình, vậy nên suy cho cùng họ chỉ được mà không có mất. Thế là dân đồng thuận, trở thành những chủ công thực thụ trong chương trình xây dựng nông thôn mới với những kết quả mỹ mãn như ngày hôm nay.
Những con số biết nói
Xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh chính thức công nhận xã nông thôn mới từ cuối năm 2017. Kết quả này hoàn toàn xứng đáng với những gì mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Hải dày công tạo dựng. Xã đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, tổng nguồn kinh phí huy động từ các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới trên 116 tỷ 500 triệu đồng, trong đó vốn từ nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng công trình phụ gần 57 tỷ 600 triệu đồng, chiếm tỷ lệ gần 49,50% tổng vốn huy động. Dù trong quá trình thực hiện, xã vay ngân hàng trên 16 tỷ đồng đầu tư làm điểm, nhưng giờ đã không còn nợ nần… Nổi bật nhất có thể kể đến tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch khá bài bản, khoa học mang yếu tố văn minh; giao thông đặc biệt nổi trội với tổng chiều dài gần 32 km. Đường trục xã, trục thôn được nhựa hóa và bê tông hóa với chiều rộng mặt đường và lề đường đạt chuẩn từ 5,5 mét đến 7 mét, ô tô vào tận nơi không một chút khó khăn nào; đường ngõ xóm thì cứng hóa với chiều rộng mặt đường ít nhất là 3 mét; người dân đi lại khá thuận lợi, không sợ bụi bẩn mùa khô, chẳng sợ lầy lội mùa mưa; đặc biệt trong tổng số gần 14 km đường nội đồng nhỏ hẹp trước kia, nay đã được mở rộng và cứng hóa gần 12 km, đảm bảo cho xe trọng tải nhỏ vận chuyển nông sản; thủy lợi đảm bảo nước tưới cho 855 ha, đạt gần 91% tổng diện tích; 100% hộ sử dụng điện; 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1; cơ sở vật chất văn hóa thể thao đã được đầu tư kiên cố, xã dành quỹ đất rộng hơn 2.100 mét vuông phục vụ vui chơi giải trí và thể thao, 8/8 thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng; cơ sở hạ tầng thương mại được chú trọng với khu chợ tập trung rộng 1.600 mét vuông và nhiều hoạt động thương mại khác; internet đã về đến tận nhà dân, hệ thống loa truyền thanh kéo tận đường thôn, ngõ xóm; toàn xã không còn nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 31 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2015 và tăng rất nhiều lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 5,36%. Với đà này thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo sẽ còn giảm sâu so với mốc 7% chỉ tiêu mà xã phấn đấu; 99,56% lao động trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; tổ chức sản xuất xã đã thực hiện thành công mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực một cách bền vững thông qua các HTX, công ty TNHH. Ngoài ra các tiêu chí về giáo dục; y tế; văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng, an ninh đều đạt chuẩn theo quy định…
Bài học nào ở Triệu Hải?
Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người cũng ví “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Thành công của Triệu Hải trong việc xây dựng nông thôn mới, trước hết phải nói đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức xã. Không chỉ vì trách nhiệm được giao mà họ còn nhận thức rằng họ là người được nuôi dưỡng và lớn lên trên vùng đất một thời “khỉ ho cò gáy” này. Họ cũng có đất đai nhà cửa, cũng sẽ là người được hưởng lợi từ lợi ích mà nông thôn mới đem lại. Lợi ích đó không chỉ đời này mà còn cho những đời sau. Nhận thức đúng tất yếu dẫn đến tư tưởng tốt, tư tưởng tốt sẽ dẫn tới quyết tâm lớn, nhiệt tâm, nhiệt tình cách mạng. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, các tổ chức đoàn thể đều tự giác thực hiện công tác tuyên truyền; phân tích, giải thích, vận động, nói đi đôi với làm, tiên phong hiến đất làm đường, tiên phong đóng góp tiền của công sức, thực sự trở thành những đầu tàu kéo theo những toa tàu cập bến sân ga. Bây giờ người dân ở Triệu Hải đã thực sự hưởng những lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới; con cái của họ đã được học ở những ngôi trường to đẹp, đàng hoàng chẳng thua kém gì nơi đô thị; mạng lưới y tế cơ sở đủ sức để chăm lo sức khỏe ban đầu; được an toàn về an ninh trật tự với hệ thống đèn an ninh tự lắp; có môi trường sống trong lành.
Triệu Hải giờ là một bức tranh trù phú, thái bình. Tiễn chúng tôi, Bí thư Đương nói vui: Con tàu Triệu Hải đã cập bến nông thôn mới và đang chuyển động về phía trước; với đà này đến năm 2020, người dân xã tôi sẽ vượt qua con số thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng/năm, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Từ những gì mắt thấy tai nghe, tôi đáp lời: Chúng tôi cũng tin như vậy!
Ghi chép: VĂN TÒA/http://baolamdong.vn