Cô gái xứ trà và ý tưởng nuôi heo bằng trà xanh
- Thứ bảy - 11/03/2017 10:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lê Nguyễn Hoài Thương (ở giữa) với ý tưởng vừa thiết thực vừa táo bạo (ảnh ĐH Yesin)
Sinh ra và lớn lên tại vùng trà Bảo Lộc, Hoài Thương yêu những đồi chè xanh ngút ngàn mà ông bà, ba mẹ em một đời gắn bó. Thế nhưng, chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ “làm một cái gì đó” với loại cây gần gũi này. Chỉ đến khi đọc “Tony buổi sáng” và chú ý đến một chi tiết nhắc đến cây trà, rằng có một vài bạn trẻ Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp đại học đã về các vùng nông thôn, nuôi heo bằng trà xanh và đã thành công. Thấy lạ và hay nhưng lại quá khó tin, bởi “Quê mình trồng trà nhiều và nuôi heo cũng nhiều, vậy sao trước giờ chưa hề thấy ai nuôi heo kiểu này”, Thương quyết tâm bắt tay thực hiện để... “xem thử sách có nói đúng hay không”. Vậy là dự án nuôi heo bằng trà xanh “tea-ton” được ra đời, ngay khi cuộc thi khởi nghiệp năm 2016 được Trường ĐH Yersin phát động.
Hoài Thương kể rằng, thời điểm bắt tay vào tìm kiếm thông tin cho dự án, em thật sự hoang mang vì ở Việt Nam chưa thấy thông tin gì liên quan. Thương phải trực tiếp tìm và dịch tất cả các tài liệu Hàn Quốc, Nhật Bản sang tiếng Việt, thậm chí nhờ bạn đang ở Nhật đến vùng được nhắc đến trong sách xem thử họ có nuôi heo bằng trà xanh thật hay không, bắt bạn mua thịt đó ăn thử xem thịt có thật sự ngon hơn không. Đến khi chính bạn xác nhận thì Thương mới có đủ niềm tin để thực hiện dự án của mình. Thời gian từ lúc hình thành ý tưởng cho đến lúc nghiên cứu xong và nộp hồ sơ tại trường chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng.
Dự án nuôi heo bằng trà xanh nếu thành công sẽ mở ra hướng mới trong chăn nuôi (ảnh minh hoạ IT)
Theo dự án của Thương, heo sẽ được nuôi bằng chuồng trại bình thường, tuy nhiên toàn bộ quy trình nuôi đều sử dụng lá trà xanh để nấu nước hoặc dùng làm thức ăn. Toàn bộ nước uống được chuyển từ nước lạnh sang nước trà xanh, theo công thức 2 kg lá trà/1.000 ml nước để nước không quá đặc hoặc quá loãng. Trong khẩu phần ăn của heo ngoài cám có trộn thêm lá trà xanh. Nước tắm cũng là nước trà xanh… Phương pháp này sẽ giảm chi phí nuôi đáng kể, bởi nguồn cung lá trà xanh thường miễn phí hoặc rất rẻ do đây là những lá già bị loại thải hoặc người trồng trà không sử dụng đến. Ngoài ra, heo sẽ được cho nghe nhạc và lắp quạt thông gió để thoáng mát vào ngày hè.
Theo Hoài Thương, các nghiên cứu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã khẳng định, heo được tắm trà xanh có da dẻ đỏ au, không bệnh tật do trà có tính sát khuẩn. Phần nước trà cho uống sẽ đốt hết mỡ trong con heo, khiến phần mỡ săn lại, thơm ngon, ăn không bị béo ngậy, thịt ngọt và mềm hơn các loại thịt lợn nuôi theo phương pháp thông thường. Đây có thể xem là thực phẩm sạch nên rất được người tiêu dùng ở các nước này ưa chuộng.
Tiếng nhạc làm cho heo kích thích và ăn nhiều hơn, do đó giúp heo tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thông thường. Ngoài ra, nước thải thu được từ chuồng trại cũng có thể tận dụng để bón phân cho vườn trà, cà phê...
Nuôi heo bằng trà xanh sẽ giúp cho heo mau lớn và có thịt thơm ngon (ảnh minh hoạ IT)
Tại vòng chung khảo khu vực miền Trung diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 1 vừa rồi, dự án Nuôi heo bằng trà xanh tea-ton của Hoài Thương được ban giám khảo đánh giá cao về phần truyền thông. Theo đó, em dựavào các kênh thông tin và mạng xã hội để quảng cáo về sản phẩm heo trà xanh; cung cấp cho khách hàng hình ảnh quá trình nuôi, trang trại, cơ sở vật chất để tạo lòng tin cho khách hàng về chất lượng của thịt.
Thông tin dự án Nuôi heo bằng trà xanh Tea-ton của Hoài Thương lọt vào vòng chung kết toàn quốc khiến nhiều người bất ngờ, nhưng không bất ngờ bằng quyết định từ chối cơ hội việc làm tại TP Hồ Chí Minh để trở về Bảo Lộc, hiện thực hóa dự án của em. Thương giải thích điều này một cách nhẹ nhàng: “Tại sao mình không làm điều đấy? Người ta không làm mà! Tại sao mình không phải là người bắt đầu?”.
Với những suy nghĩ, đam mê và sự cố gắng không ngừng, Lê Nguyễn Hoài Thương là 1 trong 3 sinh viên của tỉnh Lâm Đồng vừa được nhận danh hiệu “SV 5 tốt” vào năm học 2015-2016 vừa qua.