Cô giáo mầm non làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp
- Thứ tư - 11/12/2019 22:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh ra ở vùng quê chuyên sản xuất muối thuộc xóm Lê Lợi, xã Hải Lý, từ bé chị Hằng đã gắn bó với con lợn, con gà, giúp bố mẹ chăm em sau những buổi học. Lớn lên, chị theo cha chèo thuyền đi gom muối của các hộ diêm dân, cung cấp cho Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định. Cuộc sống của diêm dân vốn vất vả, nên trong suy nghĩ chị luôn muốn bứt phá, thoát cảnh khó khăn. Rồi chị xin vào dạy ở trường mầm non của xã, được đi học hoàn thiện hệ Trung cấp mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định) và tốt nghiệp năm 2004. Trở về trường, chị tiếp tục tham gia giảng dạy và nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng. Mặc dù vậy với thu nhập của giáo viên mầm non không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình, chị luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống. Nói chuyện với chúng tôi, chị Hằng chia sẻ: “Quãng năm 2009-2010, trong một lần đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của một người bạn, tôi nghĩ, bạn mình làm được thì mình cũng làm được”. Dám nghĩ, dám làm, chị bàn với chồng, vạch ra kế hoạch để định hướng chăn nuôi gà công nghiệp. Đầu năm 2010, sau khi có dịp tham quan nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, nhất là mô hình nuôi gà công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn và thuê 11 nghìn m2 đất làm muối kém hiệu quả tại xóm Lê Lợi, xã Hải Lý để xây dựng chuồng trại khép kín nuôi gà công nghiệp. Bởi theo chị Hằng, mô hình chăn nuôi gà công nghiệp là hướng phát triển kinh tế lâu nay nhiều người chăn nuôi trong huyện đã làm có hiệu quả.
Khu trại nuôi gà công nghiệp của gia đình chị Bùi Thị Thanh Hằng, xóm Lê Lợi, xã Hải Lý (Hải Hậu). |
Những ngày đầu khi mới phát triển trang trại, chị cùng gia đình đi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật ở nhiều nơi như Phú Xuyên (Hà Nội), Thái Nguyên… Những năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu chăn nuôi theo hướng truyền thống nên thu nhập chưa được bao nhiêu. Vừa làm, vừa tích lũy, học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại có hiệu quả trong huyện, đồng thời nghiên cứu tham khảo qua các tài liệu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chị liên kết với Công ty CJ Vina Agri là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, trực thuộc tập đoàn CJ của Hàn Quốc, vừa có nguồn thức ăn chăn nuôi ổn định, vừa được sự hướng dẫn trực tiếp của các kỹ sư chăn nuôi. Chị chia sẻ, để phát triển tốt mô hình, người chăn nuôi cần phải thực hiện đúng quy trình xây dựng chuồng trại, đảm bảo đủ tiêu chí ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Ngoài ra, phải thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà. Khác với chăn gà thả vườn, nuôi gà công nghiệp có thời gian ngắn khoảng 45 đến 50 ngày là có thể xuất chuồng, quy trình chăm sóc cũng đòi hỏi hiện đại hơn. Mọi khâu từ cho gà ăn đến uống nước đều bằng hệ thống tự động. Vì vậy, ngoài việc giảm công lao động, việc chăn nuôi gà công nghiệp còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được thức ăn hơn so với nuôi gà bình thường. Không chỉ nuôi gà công nghiệp, từ cuối năm 2014, anh chị đề xuất với chính quyền địa phương cho đấu thầu gần 5ha khu ruộng 2 lúa bị nhiễm mặn, nhân dân bỏ hoang hóa để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt siêu nạc. Hiện tại trang trại của chị ngoài duy trì nuôi 13 nghìn gà công nghiệp lông trắng còn nuôi thêm 120 lợn nái siêu nạc, 1.000 con lợn thịt. Để phòng dịch cho đàn lợn, anh chị đầu tư gắn thẻ cho lợn, tiện cho việc theo dõi, chăm sóc theo từng giai đoạn. Ngoài ra, chị còn lắp đặt hệ thống camera nhằm theo dõi sát sao quá trình phát triển của đàn lợn. Có vốn, năm 2017, anh chị đầu tư thêm 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân mỗi vụ thu hoạch 3,5-4 tấn tôm/ao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Phát triển mô hình chăn nuôi gà công nghiệp, lợn siêu nạc và nuôi thủy sản, trong những năm qua, gia đình chị Hằng không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai Thị Gấm, công nhân ở trang trại phấn khởi cho biết: Trước đây tôi ở nhà làm muối rất vất vả mà thu nhập rất thấp. Hơn một năm nay, tôi được nhận vào làm tại cơ sở chăn nuôi của chị Hằng, công việc nhàn hơn so với làm muối mà thu nhập lại ổn định. Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, chị Hằng còn tích cực ủng hộ các phong trào của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền cơ sở ghi nhận. Cô giáo Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Lý cho biết: “Cô Hằng hiện đang là Tổ trưởng Tổ Dinh dưỡng của trường, là người có tinh thần trách nhiệm trong công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công nên được đồng nghiệp quý mến, phụ huynh học sinh tin tưởng”. Là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, chị Hằng còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, giúp nhiều chị em phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới./.
Theo Hoàng Tuấn/namdinh.gov.vn