Coi trọng chuỗi liên kết trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 20/09/2017 23:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ liên kết chuỗi, gà thả vườn Thanh Chương có đầu ra ổn định |
Điển hình cho việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tại Thanh Chương là xã Thanh Văn. Theo ông Nguyễn Như Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã này, từ 2011 đến nay, kinh tế Thanh Văn có bước chuyển biến tích cực là nhờ việc xây dựng được nhiều mối liên kết 4 nhà bền vững.
Cục thể, HTX đứng ra tổ chức sản xuất nhiều cánh đồng rau màu hàng hóa. Từ các mối quan hệ của HTX, các doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm, nông dân không còn lo cảnh được mùa rớt giá. Nhờ thế, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế ở những mô hình liên kết tăng từ 20-25%.
Từ những mặt hàng nông sản do xã viên HTX sản xuất, ngày 8/8 vừa qua, HTX Thanh Văn đã cùng HTX Nam Xuân Xanh (Nam Đàn); HTX Nam Sơn (Quỳnh Lưu), HTX cam Xuân Phú (Quỳ Hợp)... thành lập Liên hiệp HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn Nghệ An. Đây vừa là gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, vừa là điểm bán nông sản an toàn do xã viên làm ra.
Hiệu quả rõ nhất là việc HTX Thanh Văn làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa giống. Ông Thiện cho rằng, nếu HTX khâu nối tốt, đảm bảo hài hòa lợi ích thì sản xuất lúa nguyên chủng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhờ liên kết, ràng buộc lợi ích, trách nhiệm giữa các bên, tại Thanh Văn không có chuyện doanh nghiệp bội tín nhà nông, hoặc nhà nông quay lưng lại.
“Năm nào chúng tôi cũng liên kết với TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ, Cty CP giống cây trồng Trung ương… sản xuất từ 5-10 ha lúa giống cấp nguyên chủng. Doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng đối với những hộ SX đúng quy trình, lúa đạt chất lượng. Còn những hộ lúa giống không đạt, giữa doanh nghiệp, HTX và người dân cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết để hài hòa lợi ích.
Hiện nay, chúng tôi tiếp tục xây dựng thêm mối liên kết với doanh nghiệp, vận động nông dân sản xuất đậu, lạc và một số nông sản khác. Điều quan trọng nhất trong liên kết chuỗi là phải đảm bảo hài hòa lợi ích, cùng nhau chia sẻ khó khăn, thủy chung trong sản xuất, cung ứng, bao tiêu sản phẩm. Ở đây, vai trò quản lý Nhà nước rất quan trọng, ngày càng thể hiện rõ”, ông Thiện chia sẻ.
Nhờ xây dựng tốt chuỗi liên kết, thu nhập bình quân đầu người của Thanh Văn đến nay đạt trên 23 triệu đồng/năm. Hàng năm, các mô hình liên kết đem về nguồn thu trên 1 tỷ đồng, cao hơn thu ngân sách trên địa bàn xã. Nhờ đời sống kinh tế ngày càng nâng cao, việc huy động nguồn lực xây dựng NTM có nhiều thuận lợi. Tháng 8/2016, Thanh Văn về đích NTM.
Những cánh đồng rau an toàn không còn lo cảnh được mùa rớt giá |
Không chỉ Thanh Văn, hiện nhiều xã tại Thanh Chương đã nhận thức được tầm quan trọng của liên kết chuỗi, giúp gia tăng thu nhập cho nông dân trong xây dựng NTM. Điển hình là chuỗi liên kết nuôi gà cỏ Thanh Chương. Đây là giống gà đặc sản của vùng miền núi Thanh Chương nhưng từ nhiều năm nay có dấu hiệu mai một.
Để vực dậy sản vật này, tháng 4/2014, UBND huyện quyết định thành lập Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương, đã có 72 thành viên nhằm xây dựng các mô hình chuẩn, từng bước xây dựng thương hiệu gà đồi Thanh Chương, tập trung vào 3 chỉ tiêu chính gồm con giống là gà cỏ địa phương; nuôi thả vườn, chăn nuôi an toàn sinh học. Khi sản phẩm đạt chất lượng, các doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm.
Nhờ các chuỗi liên kết, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn huyện Thanh Chương đã có nhiều khởi sắc. Đến 30/6/2017, toàn huyện đạt bình quân 14,1 tiêu chí NTM/xã, đã có 9 xã về đích NTM. Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện phấn đấu thêm 3 xã cán đích, và đến năm 2020, có 24 xã NTM. |
Theo Văn Dũng/nongnghiep.vn