Coi tuyên truyền là gốc

Coi tuyên truyền là gốc
Trong giai đoạn xây dựng NTM tiếp theo, Hậu Giang vẫn lấy tuyên truyền là gốc nhưng sẽ thay đổi cách thức, có nghĩa là đi theo chiều sâu.

Để hiểu rõ hơn về khó khăn cũng những kết quả mà Hậu Giang đạt được trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT, Phó Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang.

10-48-43_ong-nguyen-vn-dong

Dễ đến khó

Thưa ông, được biết sau khi chia tách tỉnh không lâu, Hậu Giang lại bắt tay vào xây dựng NTM, vậy tỉnh đã đề ra hướng đi như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra?

Có thể nói, là một tỉnh mới chia tách, xuất phát điểm của Hậu Giang rất thấp, nhìn chung hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân trong việc chuyển giao khoa học cũng như NTM rất hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là một trong những vấn đề nan giải mà hầu như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng đều gặp phải.

Trong những năm đầu, được sự ủng hộ của Trung ương và các tỉnh bạn, Hậu Giang đã từng bước hoạch định hướng đi cụ thể. 19 tiêu chí được chia nhỏ và được thực hiện theo quy trình từ dễ đến khó, các tiêu chí cần ít kinh phí được thực hiện trước, các tiêu chí cứng còn lại như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa thực hiện sau cùng. 

Ngay những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, Hậu Giang xác định NTM là nâng cao đời sống của người dân, mà đầu tiên là thu nhập?

Khi chia tách, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn khoảng 5-7 triệu đồng/người/năm, qua 5 năm tiếp theo tăng lên khoảng 10-15 triệu đồng/người/năm và hiện tại là 26 triệu đồng/người/năm.

Đây được xem là điểm đột phá của Hậu Giang. Do khó khăn về nguồn vốn nên Hậu Giang tập trung phát huy nội lực là chính. Về ngân sách, bình quân huy động các công trình chủ yếu 30-40%, còn lại là sức dân. Dù khó khăn nhưng nhờ tuyên truyền tốt, các công trình, hạng mục đều được công khai, minh bạch trước dân nên mọi công tác đều thuận lợi. Điển hình là thủy lợi, giao thông nông thôn. Tôi nghĩ so với các tỉnh trong khu vực thì Hậu Giang không thua kém ai.

Đổi mới tuyên truyền

Đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang đã đạt được những tựu gì, thưa ông?

Sau quá trình nỗ lực, đến thời điểm này, tôi có thể tự hào Hậu Giang là một trong những tỉnh đầu tiên đạt chuẩn 20% xã được công nhận NTM.

Việc Thuận Hưng được công nhận xã NTM thứ 11 của tỉnh vào tháng 9 này, sẽ góp phần giúp Hậu Giang thực hiện thắng lợi Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, Hậu Giang có xã Đại Thành đạt NTM đầu tiên trong khu vực ĐBSCL. Và nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 9 tới đây TX Ngã Bảy sẽ được công nhận là đơn vị thị xã hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Được biết Hậu Giang sắp hoàn thành giai đoạn 1 là có 11 xã điểm được công nhận NTM, đến nay tỉnh đã có định hướng gì cho giai đoạn tiếp theo?

Trong giai đoạn 2, Hậu Giang vẫn chấp hành đúng theo quy định Trung ương, có nghĩa đến năm 2020 sẽ hoàn thành 50% số xã được công nhận NTM. Như vậy, Hậu Giang còn 16 xã chưa đạt, cái này chúng tôi cũng đã đưa vào nghị quyết chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ để bàn sâu hơn.

Và để đạt được điều này, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, trong giai đoạn tiếp theo, Hậu Giang vẫn lấy tuyên truyền là gốc nhưng sẽ thay đổi cách thức, có nghĩa là đi theo chiều sâu.

Xin cảm ơn ông!

 
Nguồn: NNVN