Cử nhân đại học về quê nuôi chồn, trồng tiêu, thu nhập trăm triệu
- Thứ tư - 17/08/2016 06:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phương “khùng” lập nghiệp trên “vùng đất chết”
Nhiều người thường bảo anh là Phương “khùng” cũng bởi những việc làm của anh nhìn “chẳng giống ai”, họ đánh giá vậy là vì không ai dám hiện thực hóa những suy nghĩ táo bạo đến mức đem giống vật nuôi quen sống trong điều kiện hoang dã về thuần dưỡng nuôi trong vườn nhà. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng anh đã làm được và là một trong số ít người tại Quảng Trị thành công nhờ bước đi mạnh dạn, có phần táo bạo đó.
Có lẽ, thành công của Phạm Hữu Phương hôm nay sẽ không có gì ngạc nhiên nếu anh tốt nghiệp ở ngành chuyên về trồng trọt, chăn nuôi tại một trường ĐH Nông lâm nào đó. Như vậy thì những ứng dụng của anh trong thực tế cũng có cơ sở. Chàng thanh niên này gây được sự chú ý, trầm trồ của những người xung quanh vì anh vốn là cử nhân Lịch sử, nhưng lại có niềm đam mê với trồng trọt, chăn nuôi.
Tiếp xúc với Phương, chúng tôi cũng hiểu thêm một phần tính cách của anh, phong cách của một thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm. Phương kể: Anh tốt nghiệp trường ĐH Phú Xuân tại Huế năm 2011. Gia đình chủ yếu làm nông nghiệp nên khi trở về quê anh cũng muốn làm được điều gì đó trên quê hương mình. Xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ - nơi anh sống là vùng bán sơn địa, vì vậy, anh đã tận dụng những thế mạnh sẵn có về điều kiện như đất đai để theo đuổi mục tiêu mà anh đã dự định bấy lâu. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, vấn đề mà nhiều thanh niên muốn lập nghiệp đều băn khoăn.
Khởi nghiệp với vài triệu đồng vay mượn được, Phương mạnh dạn bắt tay vào ươm giống cây hồ tiêu cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Thời điểm đó, cây hồ tiêu còn rất thịnh, giá thành cao nên có nhiều người trồng. Cũng chính vì vậy mà tiêu giống của anh Phương làm bao nhiêu bán hết đến đó. Một thời gian sau, khi có được chút vốn từ bán tiêu giống, anh Phương bắt tay vào nuôi thỏ theo hình thức thả vườn, điều mà ít người làm được. Bởi theo cách nuôi truyền thống, thỏ chủ yếu được nuôi nhốt trong lồng. Theo anh Phương, nuôi thả vườn là để Thỏ tự thích nghi với môi trường, tự đào hầm sinh sản, phát triển theo tự nhiên, con người chỉ can thiệp vào việc vệ sinh nơi ở của nó.
Anh Phương đang nuôi hàng chục con Thỏ theo hình thức thả vườn
Với mục tiêu phát triển đa dạng về giống cây trồng, vật nuôi để tạo nguồn thu lớn hơn, anh Phương nhân giống nuôi thêm gà rừng, lợn rừng, dúi,… Ban đầu, nguồn giống do anh mua lại từ những người thợ đi săn, sau khi chúng sinh trưởng thì nhân rộng thêm để bán thịt. Đây là những vật nuôi được đánh giá là “đặc sản” mang lại giá trị kinh tế cao so với các vật nuôi bình thường.
Bước đi táo bạo nhất là việc anh Phương thuần dưỡng giống chồn hương, vốn quen sống trong môi trường tự nhiên hoang dã để nuôi trong vườn nhà. Việc thuần dưỡng, nhân giống chồn hương là điều vô cùng khó, tại Quảng Trị ít ai làm được. Tuy nhiên, hiện anh đang sở hữu hàng chục con chồn hương như vậy, bao gồm cả chồn hương giống và bán thịt. Giống vật nuôi này cũng mang lại nguồn thu nhập khấm khá bởi giá trị kinh tế rất cao. Trung bình giá chồn hương thịt hiện nay đạt khoảng 1,3 triệu đồng/kg, còn bán giống khoảng 7-8 triệu đồng/kg.
Chồn hương là loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao được anh thuần dưỡng thành công
Anh Phương cho biết: “Ban đầu mình nuôi chỉ 1 cặp nhưng giờ hiện có hơn 10 con cả chồn mẹ lẫn bán thịt. Để thuần dưỡng được chồn hương cực kỳ khó mà khó nhất là giai đoạn phối giống. Tuy nhiên, mình đã nuôi thành công, chúng sinh sản và phát triển được. Lúc chúng sinh sản mình phải chú ý để tránh việc chồn đực nhảy sang ăn thịt con. Thức ăn hàng ngày của chúng cũng khá tốn kém. Về chu kỳ nuôi thịt thì mất từ 6-7 tháng nhưng giá trị kinh tế cao, đầu ra sản phẩm cũng ổn định”.
Với các loại vật nuôi khác cũng được chăm sóc theo quy trình rất khắt khe. Mỗi loại vật nuôi đều có những đặc tính riêng biệt nhưng anh Phương đã và đang chăm sóc tốt. Chỉ riêng các loại vật nuôi hiện có cũng đã mang đến cho anh nguồn thu nhập khá.
Đầu tư xây dựng trang trại để mở rộng mô hình
Bên cạnh các giống vật nuôi hiện có với đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, anh Phương cũng đang duy trì việc ươm giống cây hồ tiêu được xem là thế mạnh của vùng đồi Quảng Trị. Hiện vườn ươm của anh có khoảng 2 vạn cây giống, sẵn sàng cung cấp cho những ai có nhu cầu. Phương cho hay, tiêu giống của anh đang sinh trưởng tốt, chừng khoảng 1 tháng nữa sẽ phù hợp để xuất bán và trồng. Với giá thị trường hiện nay, mỗi cây giống cũng bán được khoảng 15 ngàn đồng.
Hiện Phương cũng nuôi gần chục con lợn rừng trong vườn nhà
Đặc biệt, vườn ươm của anh cũng đang nhân giống cây cà gai leo rất thành công. Đây là loài cây mới vừa được người dân trồng đại trà trong giai đoạn gần đây. Nắm bắt xu thế đó, Phương đã mạnh dạn ươm khoảng 2 vạn cây, lấy giống tự nhiên. Việc chăm sóc cây hồ tiêu lẫn cà gai leo được đánh giá là đơn giản. Anh Phương nói: “Mình luôn cam kết với mọi người rằng, giống cây tại vườn ươm của mình đảm bảo về chất lượng. Nguồn giống được chọn lọc chăm sóc cẩn thận nên tỷ lệ sống rất cao. Sỡ dĩ giống cây này được mọi người trồng đại trà bởi nó có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe”.
Giống cà gai leo là một loại cây mới đang được người dân địa phương trồng đại trà
Không chỉ phát triển về giống, hiện tại vườn của anh cũng có hàng trăm gốc cây hồ tiêu và cao su, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Chia sẻ về chiến lược sắp tới, Phương cho biết đang dự định đầu tư xây dựng trang trại để quy hoạch lại khu nuôi nhốt vật nuôi, từ đó sẽ nhân rộng nhằm mang đến hiệu quả cao hơn. Đây cũng là mục tiêu anh đang theo đuổi nhằm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế gia đình.
Trong khi nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học đang rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm thì suy nghĩ của Phương lẫn những việc anh đang làm là điều ít thanh niên đạt được. Anh Phương tâm sự: “Không phải đi học đại học rồi ra trường làm đúng chuyên ngành thì mới được coi là thành công. Vấn đề quan trọng nhất là mình biết tạo cho mình cơ hội để phấn đấu. Và, việc mình theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế gia đình là cơ hội do mình lựa chọn và mình sẽ quyết tâm thực hiện nó”.
Theo Đăng Đức/dantri.com.vn