Cử nhân kinh tế về quê chăn nuôi lợn

Cử nhân kinh tế về quê chăn nuôi lợn
Đó là anh Đinh Ngọc Quảng, thôn Quèn Chùa, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt siêu nạc, mỗi năm xuất ra thị trường 20 - 30 tấn thịt lợn hơi đem về thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt siêu nạc của anh Đinh Ngọc Quảng
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, anh Quảng  làm tại nhà máy mía đường Hòa Bình. Làm được một thời gian anh bỏ việc về quê với lý do lương thấp. Bỏ phố về quê anh đầu tư vào mô hình chăn nuôi. Khi biết được ý định này của anh, gia đình cũng phản đối kịch liệt. Nhiều người ở làng trên, xóm dưới biết chuyện còn bảo anh bị “khùng” hay sao, bao năm đèn sách mà giờ bỏ về quê chăn nuôi, thật là phí công học.
 
Năm 2000, anh Quảng đã đầu tư vào nuôi 1000 con gà ta, lứa đầu nuôi cũng đem lại thu nhập khá vì bán được giá cao. Nhờ bước đầu thành công, các năm sau anh đã đầu tư nuôi và duy trì từ 1500 – 2000 con/ lứa. Tuy nhiên, thời gian sau giá cả thị trường bấp bênh, dịch cúm gia cầm thường xuyên xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. Sau mấy năm số vốn bỏ ra đầu tư và lời lãi chẳng được là bao lên anh đã chuyển hướng chăn nuôi từ nuôi gà sang nuôi lợn thịt siêu nạc.
 
Cuối năm 2013, anh Đinh Ngọc Quảng đã tích cóp vốn và vay mượn thêm anh em, bạn bè để xây dựng chuồng trại trên diện tích 450mgồm 12 ô nuôi, mỗi ô nuôi được khoảng 30 con. Thăm chuồng anh xây dựng được thiết kế rất khoa học và có đầu tư như: có hệ thống quạt mát, quạt thông gió, giàn tưới mưa nhân tạo trên mái và máng ăn vòi uống đều tự động.
 
Giống được anh bắt tại công ty JAPFA Việt Nam có cơ sở trại giống đặt tại xã Kim Bình (huyện Kim Bôi). Hiện nay, tổng đàn của gia đình anh có 215 con lợn thịt siêu nạc và 15 con lợn nái dòng siêu nạc. Để có kiến thức vào chăn nuôi lợn anh đã nghiên cứu và tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ đang nuôi lợn. Ngoài ra, anh còn tham gia vào các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn do xã, huyện tổ chức nhằm tích lũy thêm kiến thức cho bản thân.
 
Anh Đinh Ngọc Quảng chia sẻ: “Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh người nuôi cần phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và luôn giữ cho nhiệt độ của chuồng lợn hợp lý”.
 
Một năm gia đình anh nuôi được 2 – 2,5 lứa, mỗi lứa nuôi khoảng 4 tháng và một con lợn siêu nạc đạt trọng lượng xuất bán từ 105 – 110kg/con. Với giá bán của giống lợn siêu nạc lúc nào cũng cao hơn giống lợn khác. Năm 2014, anh xuất ra thị trường 25 tấn thịt lợn hơi thu lãi hơn 100 triệu.
 
Vào đầu tháng 9/2015 này, gia đình anh Quảng sẽ tiếp tục cho xuất lứa lợn thịt, ước tính cũng được khoảng 15 tấn. Thời gian tới anh sẽ ký hợp đồng bắt khoảng 200 con lợn giống siêu nạc tại trại giống xã Kim Bình (huyện Kim Bôi) và khoảng hơn 100 con lợn gia đình sản xuất được từ 15 con lợn nái đẻ. Nâng tổng đàn nuôi lên hơn 300 con lợn thịt để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm.
 
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm chàng cử nhân kinh tế đã bước đầu thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp và là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo về tinh thần, ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Theo hoinongdan.org.vn