Cựu chiến binh Trần Tuấn Dũng ổn định kinh tế gia đình nhờ chăn nuôi và trồng màu
- Thứ sáu - 08/12/2017 04:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Vợ chồng ông Dũng chăm sóc dê. |
Từng tham gia quân ngũ tại Trường Kỹ thuật Quân khu 9 rồi sang nước bạn chiến đấu, ngày xuất ngũ trở về địa phương, ông Dũng tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới, vừa tích cực tham gia sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Long Hòa. Ban đầu, để giải quyết khó khăn kinh tế gia đình, ông Dũng được Hội CCB xã hỗ trợ 1 con dê giống, thế là ông tiến hành xây dựng chuồng để chăn nuôi. Sau quá trình gắn bó, nhờ biết cách chăm sóc nên đàn dê ngày càng phát triển, năm nào gia đình ông Dũng cũng có dê thịt để bán. Những lúc cao điểm, chuồng dê nhà ông có hơn 10 con dê thịt.
Ông Dũng chia sẻ: "Dê nuôi tương đối dễ, là loài động vật ăn tạp nên rất dễ kiếm thức ăn, chủ yếu lấy công làm lời, giá dê thịt ít biến động mạnh như các loại vật nuôi, cây trồng khác nên không sợ bị lỗ. Bình quân 1 con dê thịt nuôi đến khi xuất chuồng cũng khoảng 30kg, bán được khoảng 3 triệu đồng, gia đình tôi có thêm kinh phí trang trải cho cuộc sống hàng ngày".
Ngoài việc chăn nuôi dê, ông Dũng còn nuôi thêm heo rừng. Đến nay, gia đình ông có gần 20 con heo rừng và mô hình chăn nuôi của ông được Hội CCB xã Long Hòa chọn để hội viên CCB cùng tham quan, phát triển, nhân rộng. Ông Dũng bộc bạch: "Nuôi heo rừng tuy đơn giản nhưng nếu không nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, chu kỳ sinh trưởng của heo để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn thì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là loài có bản năng hoang dã nên heo rừng luôn cảnh giác và bỏ chạy khi nghe có tiếng động, hay có người lạ đến gần. Heo rừng thích hoạt động về ban đêm, ban ngày tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ. Môi trường chăn nuôi heo rừng phải gần giống như môi trường tự nhiên, chỗ nuôi cần có nhiều cây cối, yên tĩnh, chuồng trại cách xa khu dân cư và đường giao thông".
Để tiết kiệm thức ăn và dựa vào đặc tính của heo rừng, ông Dũng đã tận dụng diện tích đất của gia đình đầu tư vào trồng cỏ voi và các loại cỏ tạp để tạo nguồn thức ăn cho heo. Theo ông Dũng, heo rừng nuôi khá dễ, heo mẹ tự sinh sản và tự chăm sóc con, sau 4 - 5 tháng là có thể xuất chuồng, nuôi heo rừng thu lãi gấp 3 - 4 lần heo thịt.
Bên cạnh việc chăn nuôi, gia đình ông Dũng còn dành đất trống trồng màu và luân canh các loại rau màu khác nhau. Do thời gian trồng rau màu ngắn, xoay vòng vốn nhanh, lợi nhuận kinh tế cao, nên gia đình ông gắn bó với cây màu để có thêm kinh phí phát triển việc chăn nuôi, đưa kinh tế gia đình từng bước đi lên, có thêm thời gian tham gia vào các hoạt động hội, cùng hội viên CCB vươn lên làm kinh tế giỏi. Hiện tại, các con của ông Dũng đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang.
Ông Phan Thành Hiếu, Chủ tịch Hội CCB xã Long Hòa nhận xét: "Chúng tôi đánh giá cao vai trò CCB Trần Tuấn Dũng, anh đã phát huy được phẩm chất Bộ đội cụ Hồ trong thời bình, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở địa phương. Hiện nay, mô hình nuôi heo rừng và nuôi dê của anh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đang khuyến khích, nhân rộng mô hình hiệu quả này, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương".
Văn Minh/tiengiang.gov.vn