Đà Nẵng: Nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển

Đà Nẵng: Nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển
Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ hợp tác xã (HTX) phát triển.
 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 31/7, Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Tính đến cuối năm 2018, TP. Đà Nẵng có 217 tổ hợp tác với 1.963 thành viên và tạo việc làm cho hơn 4.300 lao động; 119 HTX với 9.434 thành viên. Thu nhập bình quân của các thành viên, tiền lương của người lao động đạt 38,69 triệu đồng/năm. 

Thời gian qua, trên địa bàn đã có nhiều mô hình mới ra đời như mô hình HTX đầu tư, quản lý, kinh doanh chợ, HTX chăm sóc sức khỏe, HTX ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên địa bàn  đã xuất hiện một số mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp từ mô hình thủy canh; một số HTX mạnh dạn cung ứng dịch vụ tham quan trải nghiệm thực tế cho học sinh.

TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển như: Hỗ trợ hơn 73 tỷ đồng triển khai các chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; hỗ trợ cho 62 lượt HTX và tổ hợp tác đầu tư cơ giới hoá nông nghiệp với kinh phí 3,9 tỷ đồng. Một số mô hình chuyển giao kỹ thuật, công nghệ được chuyển giao, được nông dân thông qua các HTX tiếp thu có kết quả tốt như mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng rau an toàn, trồng hoa, trồng nấm…

Để các HTX tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển, thành phố đã miễn giảm thuế thu nhập trong một thời gian nhất định cho các HTX di dời, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Từ đầu năm 2007, Đà Nẵng trích ngân sách mỗi năm hơn 3 tỷ đồng để thực hiện việc miễn thuế thủy lợi phí trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức đào tạo và cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng miễn phí cho gần 1.100 tổ viên tổ khai thác thủy sản; đào tạo nghề cho gần 2.000 thành viên, người lao động…

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ vận động, hỗ trợ phát triển khoảng 100 tổ hợp tác, 150 HTX; phấn đấu 100% xã phường có HTX, gắn với chương trình mỗi xã phường, mỗi sản phẩm, phục vụ đời sống dân cư trên địa bàn. 

Đến năm 2030, hỗ trợ phát triển 200 tổ hợp tác, 300 HTX; tiếp tục tăng tỷ lệ dân cư địa bàn tham gia loại hình kinh tế tập thể, HTX. Định hướng mô hình HTX kiểu mới, khuyến khích phát triển mô hình HTX thủy sản, trước mắt là mô hình HTX dịch vụ hậu cần nghề cá; trong đó chú ý vận động các tổ tương hỗ trên biển tham gia thành viên HTX, sử dụng dịch vụ của HTX.
 

Theo Lưu Hương/Chinhphu.vn