Đa canh nông nghiệp kết hợp du lịch

Ông Hồ Tấn Phong có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau, quả an toàn

Ông Hồ Tấn Phong có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau, quả an toàn

Với dự án “Xây dựng mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao (CNC) tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP. Châu Đốc”, Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang mong muốn người dân địa phương có cơ hội tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ vào đời sống. Quan trọng nhất là giúp nông dân đa dạng thêm nguồn thu nhập bằng việc phát huy lợi thế sẵn có từ mô hình nông nghiệp đa canh kết hợp du lịch.

Anh Nguyễn Thanh Long, Chủ nhiệm dự án cho biết, dự án được triển khai thực hiện trong 24 tháng (từ tháng 11-2016 đến tháng 11-2018), tại hộ ông Hồ Tấn Phong (TP. Châu Đốc); kinh phí sản xuất thử nghiệm trên 960 triệu đồng. Trong đó, nguồn sự nghiệp khoa học hỗ trợ trên 350 triệu đồng, còn lại là vốn của nông dân tham gia mô hình. Theo đó, dự án sẽ xây dựng hoàn chỉnh 1 mô hình đa canh ứng dụng CNC với diện tích 2.400m2, kết hợp trồng hoa kiểng (400m2), dưa lưới và dưa leo baby (1.000m2), cải tạo vườn cây ăn trái (1.000m2) cùng với kỹ thuật tưới nhỏ giọt. “Với những mục tiêu cụ thể như vậy, những người thực hiện dự án mong muốn sẽ góp phần tạo cảnh quan phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch sinh thái. Hiệu quả có được từ mô hình là tiền đề trong việc nhân rộng trong thời gian tới”- anh Long cho hay.

Sau thời gian nghiên cứu, chọn lọc, dự án quyết định chọn nhiều loại hoa thích hợp với khí hậu của TP. Châu Đốc và trồng trên diện tích khác nhau, vừa tạo cảnh quan bắt mắt, vừa đảm bảo đầu ra cho thị trường. Theo đó, công việc đầu tiên bắt đầu dự án là hình thành giàn lan Mokara, Dendrobium, Vũ nữ và kiểng lá; vườn hoa cúc pha lê phục vụ Tết; vườn hoa đồng tiền, hoa chuông từ giống nuôi cấy mô. Sau đó, tiến hành luân canh dưa lưới và dưa leo baby trong nhà màng trên diện tích 1.000m2, trong thời gian 18 tháng, sau đó sẽ nhân rộng mô hình. Đây là mô hình rau ăn quả theo hướng an toàn, được áp dụng theo quy trình chăm sóc của Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, giúp hạn chế dư lượng nitrat sau thu hoạch. Bên cạnh đó, dự án sẽ lựa chọn cải tạo vườn cây ăn trái của hộ gia đình (cụ thể là cây xoài) bằng cách xây dựng quy trình chăm sóc, bảo tồn, cân đối dinh dưỡng và hướng đến canh tác an toàn nhằm phục vụ du lịch.

Định kỳ mỗi tháng, Ban Chủ nhiệm dự án phối hợp các đơn vị thực hiện sẽ trực tiếp đến khảo sát, ghi nhận các thông số tại mô hình, từ đó kiểm tra hoạt động quản lý chăm sóc, kịp thời tìm các giải pháp khắc phục hợp lý, góp phần đảm bảo sự thành công của mô hình. Kết quả của dự án là cơ sở để phát triển cũng như có các giải pháp tạo cảnh quan để du khách tham quan, tham gia các hoạt động của địa phương. Sản phẩm của mô hình cũng là nguồn cây giống ban đầu để nhân giống các loại lan, hoa đồng tiền, cung cấp cho các cá nhân, đơn vị, khách du lịch, các hộ dân có nhu cầu lập vườn trồng và kinh doanh các loại cây trồng. Sản phẩm của mô hình góp phần nâng cao chất lượng du lịch, thu nhập hộ gia đình tại địa phương. Bằng cách tổ chức các đoàn tham quan thực tế tại nông hộ, tham gia trưng bày sản phẩm tại hội chợ hoa Xuân, phấn đấu thu hút ít nhất 1.000 du khách/năm đến tham quan mô hình... “Sản phẩm từ mô hình có thể cung cấp trực tiếp cho du khách, hay việc tiến hành liên kết các công ty rau an toàn và các chợ đầu mối cung cấp sản phẩm từ dự án. Từ đó, có thể tạo ra hướng phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”- anh Long thông tin. Đây là mô hình mới về phát triển nông nghiệp, bảo tồn đa dạng hệ thực vật kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Nguồn: báo An Giang