Đại Thành tiên phong trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 19/09/2018 22:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hàng năm cùng với chính quyền, người dân xã Đại Thành ngày càng đoàn kết, nâng cao quyết tâm để duy trì, nâng chất các tiêu chí xã NTM hơn nữa, thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất như xây mới, sửa chữa các trường học, nâng cấp các tuyến lộ, tu sửa đê bao, nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp,… Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân.
Đường sá sạch đẹp, giao thông thuận tiện |
Qua 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay diện mạo của xã NTM Đại Thành ngày càng đổi mới, phát triển. Năm 2018, xã tiếp tục nhận nhiệm vụ xây dựng xã NTM theo bộ tiêu chí nâng cao (gồm 16 tiêu chí) vừa mới ban hành của UBND tỉnh Hậu Giang, đặt quyết tâm về đích trong năm 2018. Song song đó, Đại Thành phải là 1 trong 2 xã điểm đầu tiên của Hậu Giang thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Theo ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã, năm 2018 Đại Thành rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện xây dựng và về đích xã NTM theo bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh, xây dựng xã NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu của Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang.
Ông Giang nói: “Đến nay xã Đại Thành đã hoàn thành 11/16 tiêu chí của bộ tiêu chí nâng cao. 5 tiêu chí còn lại đặt quyết tâm đến ngày 30/9 hoàn tất. Như tiêu chí môi trường, chúng tôi đang ráo riết vận động bà con chung tay làm hàng rào cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đất canh tác, cùng tạo ra cảnh quan nông thôn xanh sạch đẹp,.. Mỗi tuần BCĐ xã chia ra thành 2 đoàn, mỗi đoàn gồm các tổ đến từng hộ dân vận động, thanh niên cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh với người dân”.
Thế mạnh của Đại Thành là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy trong phong trào phát triển kinh tế, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế từ khá đến cao như trồng mãng cầu xiêm, cam sành,... Xã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong thực hiện đề án 1000 đã giải ngân cho 42 hộ số tiền 2.782.800.000 đồng góp phần tăng thu nhập cho từng hộ.
Toàn xã hiện có 1.031 hộ sản xuất thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng có 650 hộ, từ 400 đến 600 triệu đồng có 280 hộ, từ 600 đến 1 tỷ đồng có 75 hộ, từ 01 tỷ đồng trở lên có 26 hộ. Đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất theo chuỗi giá trị, như mô hình nuôi cá da trơn của Trại cá Phú Thuận theo tiêu chuẩn Global Gap với qui mô 21,6ha, HTX thủy sản Đại Thắng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các đoàn thể đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên của mình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình được nhân rộng. Hội Nông dân với phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay toàn xã có 20 mô hình làm ăn có hiệu quả, tăng 05 mô hình so với năm 2016. Cụ thể có mô hình nuôi cá tra kết hợp nuôi heo, quy mô 0,4ha của ông Hồ Văn Quắn ấp Sơn Phú; mô hình cá tra, trồng cam sành sử dụng màng phủ quy mô 3ha của ông Dương Văn Nam ấp Sơn Phú; mô hình trồng cam sành dùng màng phủ quy mô 1ha của ông Đoàn Văn Kiếm ấp Ba Ngàn,... Đã có 08 DN hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho 120 lao động với thu nhập ổn định.
Các cơ sở kinh doanh và dịch vụ đang làm ăn tốt. Năm 2017 thu nhập bình quân của xã đạt 37,6 triệu đồng/người/năm (tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2016). Hiện nay xã còn 80 hộ nghèo (chiếm 2,7%), trong năm nay xã phấn đấu giảm 20 hộ nghèo, giảm hộ nghèo xuống dưới 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,2 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Cơ (66 tuổi) ấp 3000 xã Đại Thành nói: “Nhờ sự chăm lo của chính quyền, những năm qua nhân dân xã Đại Thành chúng tôi đã an tâm đầu tư phát triển sản xuất. Nhất là trong vấn đề thủy lợi nội đồng, hệ thống đê bao được gia cố, nạo vét, nhờ vậy thành quả sản xuất cũng như nhà cửa, tài sản được bảo vệ”. Theo ông Cơ, ông đang canh tác rất hiệu quả mô hình cam sành. Năm 2017, ông thu về hơn 800 triệu đồng từ 1ha cam, trong đó lãi ròng hơn 500 triệu đồng.
Nhân dân tham gia xây dựng hàng rào cây xanh |
Còn anh Lý Đức Chờ cùng ngụ ấp 3.000, cho biết do mới ra riêng, gia đình lại không đất sản xuất nên kinh tế còn khó khăn. Nhờ được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn sửa chữa lại nhà cửa và cho mượn thêm 1 con bò để chăn nuôi, anh Chờ phấn đấu thoát diện hộ cận nghèo trong năm nay. Anh nói: “Nhờ sửa được nhà cửa kiên cố, vợ chồng em sẽ xin vào làm trong công ty và tranh thủ thời gian rảnh chăn nuôi thêm con bò để sang năm bò đẻ, em sẽ trả lại bò mẹ cho xã”.
Ấp 3.000 của xã Đại Thành không còn hộ nghèo. Ông Trần Văn Chận (66 tuổi) trưởng ấp cho biết: “Ấp còn 23 hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của BCĐ xã, ấp 3.000 quyết tâm đưa 23 hộ thoát nghèo tiến lên làm giàu, không để tái nghèo trong những năm kế tiếp. Trong phong trào xây dựng cảnh quan, Ban chỉ đạo ấp vận động bà con trồng hàng rào cây xanh. Trước nhà ai thì hộ đó trồng cây và chăm sóc, cắt tỉa,…cùng chung tay xây dựng cảnh quan nông thôn”.
"Năm 2017 - 2018, xã Đại Thành tiếp tục nâng cấp mặt lộ ôtô về xã dài 1,8km, rộng 5,5m; nâng cấp cầu Huế Thụ dài 28m, rộng 2,5m; nâng cấp tuyến lộ từ xã đội giáp tuyến ôtô dài 280m, rộng 2m; nâng cấp tuyến lộ từ Tám Cơ đến Hai Kiệt dài 2,5km, rộng 2m; nâng cấp cầu Út Bảnh dài 33m, rộng 2,5m; đang triển khai làm tuyến lộ kênh Đào từ Mái Dầm đến Ba Ngàn A dài 3,5km, rộng 2m; đã khởi công xây dựng Cầu Năm Đùm ấp Cái Côn. Tổng kinh phí thực hiện các công trình khoảng 11,683 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,920 tỷ đồng, Nhà nước rót 9,723 tỷ đồng, nâng tổng số tuyến lộ giao thông toàn xã hiện nay lên 37 tuyến” (Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành |