Dân khấm khá nhờ chuyển đổi trồng sả trên đất lúa

Dân khấm khá nhờ chuyển đổi trồng sả trên đất lúa
Về đất cù lao Tân Phú Đông, đâu đâu cũng thấy sả mọc xanh tươi. Sả trồng dọc bờ kênh, sau vườn nhà, xen trong vườn dừa, đặc biệt là trên đất lúa. Những chuyến xe mỗi ngày chở sả thương phẩm cung ứng đi khắp nơi cũng mang về niềm vui đổi đời cho người dân nghèo trên miền đất mặn cù lao.
Người dân sơ chế sả thương phẩm ở Tân Phú Đông.

Cây sả "bén duyên" với đất Tân Phú Đông từ năm 2010, một số hộ trồng thử nghiệm cây sả. Đến mùa vụ năm 2014-2015, khi nạn xâm nhập mặn ngày càng gây tác hại nghiêm trọng đến ruộng đồng khiến nhiều hộ trồng lúa mất trắng, nhiều nông dân chuyển mạnh sang trồng sả. Diện tích sả tăng lên liên tục. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 850 ha trồng sả, tập trung ở ba xã Phú Thạnh và Phú Đông và Phú Tân. Theo người dân ở đây, sả là giống ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, không kén đất, năng suất, lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần lúa.

Theo tính toán của ông Lê Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thạnh, giá sả chỉ cần đạt 4.000 đồng/kg đã hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Vậy mà năm 2015, giá sả trung bình khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg, sáu tháng đầu năm 2016, giá trung bình khoảng 7.000 - 8.000 đồng, có lúc hút hàng, giá sả lên đến 9.000 đồng/kg. Mỗi năm, người dân trồng được hai vụ, bình quân thu lời được 70 - 80 triệu đồng/ha. Hiện nay, giá sả giảm nhẹ quanh mức 5.000 đồng/kg nhưng mức giá như vậy vẫn giúp bà con nông dân thu được lãi cao.

Toàn xã Phú Thạnh hiện có 380 ha canh tác sả chuyển đổi từ đất lúa. Đất canh tác lúa của xã nằm trong vùng đê bao ngăn mặn, ngăn triều cường, đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên canh tác lúa kém hiệu quả, một năm hai vụ rất bấp bênh. Phú Thạnh hiện có 12 điểm thu mua, sơ chế sả thương phẩm. Ở đây, ngày nào cũng tấp nập hàng hóa, bình quân mỗi ngày 10 - 15 tấn sả chở đi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Chị Huỳnh Thị Thu nhà ở đường 887B ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, cho biết: "Gia đình tôi có 14 - 15 công (1.000m2), mỗi công cho năng suất khoảng 1 tấn sả/vụ, trồng dày có thể có năng suất 1,5 tấn/công, mỗi năm thu lợi nhuận trên 70 triệu đồng. Trước trồng lúa mỗi vụ chỉ lời được mấy triệu đồng, nay chuyển sang trồng sả thì lợi nhuận cao hơn hẳn mà chi phí, công sức bỏ ra ít hơn."  

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho hay: "Mỗi ngày, huyện xuất đi khoảng 20 -30 tấn sả cung ứng cho thị trường cả nước. Cây sả làm thay đổi đời sống nhiều người dân trên miền đất nghèo, giúp giải quyết việc làm, nhất là phụ nữ nhàn rỗi. Nhờ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều người dân huyện, đặc biệt nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng sả. Những năm gần đây, chính quyền huyện đã thấy được canh tác lúa không hiệu quả nên khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng sả."

Theo TienGiang.gov