Đảng viên nữ đi đầu trong giảm nghèo, phát triển kinh tế

Đảng viên nữ đi đầu trong giảm nghèo, phát triển kinh tế
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Hội phụ nữ các tỉnh Tây Bắc đã vận động, hỗ trợ hội viên, nữ đảng viên xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Xây dựng các mô hình hiệu quả
 
Là đảng viên trẻ, lại nắm giữ vai trò Chi hội trưởng Hội Phụ nữ kiêm Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đại Thắng, xã Nà Chì, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đồng chí Hoàng Thị Phiên, dân tộc Tày đã khéo léo vận động người dân trong thôn tham gia tích cực các hoạt động phong trào, vận động hội viên phụ nữ và người thân tham gia các phong trào do thôn và xã phát động. Thấu hiểu đặc thù của thôn Đại Thắng, hiểu những suy nghĩ căn bản của đồng bào trong thôn, chị đã tham mưu với Chi ủy, trưởng thôn trong việc đề ra giải pháp tuyên truyền, vận động, thu hút người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. 

Đảng viên Vì Thị Thắm, Bí thư chi bộ bản Na Tông 1, xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất giỏi.

Ông Hoàng Minh Học, Bí thư chi bộ thôn Đại Thắng nhận xét: "Chị Phiên rất đảm đang, giỏi việc xã hội và việc nhà. Nhiều chị em phụ nữ đã học tập kinh nghiệm chị Phiên để làm theo. Nhờ đồng chí ấy, nhiều hộ gia đình trong và ngoài thôn biết nhiều hơn về cách chăm sóc, nuôi dạy con cái, không sinh nhiều con để dành tiền nuôi con ăn học. Đặc biệt là khơi dậy ý chí phấn đấu trở thành đảng viên trong đoàn viên, thanh niên trong thôn”.
 
Với ý nghĩ đã là đảng viên thì phải tiên phong trong mọi lĩnh vực để quần chúng noi theo, đồng chí Hoàng Thị Phiên đã tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây, con để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) nuôi trâu, lợn, gà, vịt, ao cá và vườn cây ăn quả... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 
 
Không chỉ là đảng viên làm kinh tế giỏi, chị Hoàng Thị Phiên còn là nhân tố tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người thân, nhân dân thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã, bằng những việc làm cụ thể: “Nhà sạch, vườn đẹp”, xây lò đốt rác, phát triển diện tích trồng chè, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần... Vận động, tuyên truyền và hướng dẫn cho 2 quần chúng ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
 
Cũng như đảng viên Hoàng Thị Phiên, đảng viên trẻ Vì Thị Thắm, Bí thư chi bộ bản Na Tông 1, xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) cũng là tấm gương sáng cho bà con dân bản noi theo. Thắm sinh năm 1989, được cha mẹ nuôi ăn học với trình độ văn hóa 12/12. Vì Thị Thắm cho biết, những năm trước cô tham gia Hội phụ nữ của bản, rồi được bầu làm Chi hội trưởng và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 2015. Vợ chồng Thắm có 1 ha lúa nước và trồng ngô, ngoài ra còn chăn nuôi đàn đại gia súc với 11 con trâu, bò, mỗi năm thu nhập từ gieo cấy và chăn nuôi khoảng 50 - 60 triệu đồng.
 
“Ngày trước gia đình mình và bà con dân bản thường thả rông gia súc trên rừng. Mỗi lần mắc dịch bệnh trâu, bò chết hàng loạt, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Từ khi được tập huấn công tác thú y phòng chống dịch, đảng viên đi trước hướng dẫn cho bà con làm theo, đến nay bản Na Tông 1 có rất nhiều gia đình đã biết chăm sóc gia súc, làm chuồng trại xa nhà để giữ vệ sinh môi trường thôn bản”, Vì Thị Thắm chia sẻ.
 
Ở một xã đặc biệt khó khăn như Na Tông 1, có được thu nhập ổn định như thế không phải dễ. Thắm kể, thực hiện các phong trào thi đua của Chi bộ, 11 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên nữ Chi bộ Na Tông 1 ai cũng giỏi việc nước, đảm việc nhà. Song do tập quán và trình độ dân trí của bà con trong bản còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của xã đến với bà con còn nhiều gian nan vất vả.
 
Phát huy vai trò tổ chức Hội
 
Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sau hơn 30 năm đổi mới, vùng Tây Bắc đã có những bước chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng đổi mới. 
 
Tuy nhiên, vùng Tây Bắc vẫn còn rất nhiều khó khăn, với số huyện nghèo chiếm 70% và tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần so với tỷ lệ bình quân chung cả nước. Điều kiện sản xuất, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của nhiều địa phương trong vùng còn ở mức thấp. Nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, cuộc chiến chống đói nghèo còn nhiều gian nan vất vả... 

Lãnh đạo xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) hội ý bàn giải pháp phát triển đảng viên nữ.

Để góp phần giảm nghèo bền vững, nhiều đảng viên nữ trong Hội phụ nữ các cấp vùng Tây Bắc đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.
 
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng việc liên kết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo hiệu quả cao, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, tham gia thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các mô hình được xây dựng có đặc điểm là tác động theo hộ gia đình, liên kết các hộ dưới hình thức câu lạc bộ hoặc tổ, nhóm, nội dung liên kết chủ yếu là hỗ trợ vốn vay hoặc con giống, ngày công; chuyển giao khoa học kỹ thuật; nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nhau khi có khó khăn. Phổ biến nhất là mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm - tín dụng. Các mô hình này đã có tác động tích cực trong phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hội phụ nữ các tỉnh, thành như Phú Thọ, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Lạng Sơn... đã vận động, hỗ trợ xây dựng được nhiều mô hình tốt.
 
Thời gian tới các cấp Hội phụ nữ trong vùng Tây Bắc tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt hiệu quả trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào, các hoạt động vận động, hỗ trợ nữ đảng viên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Hoạt động của các cấp Hội tiếp tục hướng về cơ sở, đến từng gia đình đảng viên là hội viên phụ nữ, thể hiện tinh thần trách nhiệm với hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ở địa bàn nông thôn, miền núi. 
 
Nâng cao hiệu quả thiết thực của công tác vận động, hỗ trợ các đảng viên nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo với các mô hình đa dạng (câu lạc bộ giảm nghèo, tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - tín dụng, tổ liên kết sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô...) đã tạo điều kiện để các cấp Hội đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp và phát triển hội viên là đảng viên, củng cố phát triển tổ chức Hội. Những kết quả đó sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
 
Để phát huy vai trò đảng viên nữ đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, cấp ủy các cấp trong vùng Tây Bắc đã có nhiều cách làm sáng tạo. Bàn về phương hướng trợ giúp phụ nữ các dân tộc thoát nghèo và có cơ hội vươn lên làm giàu, bà Hoàng Thị hạnh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, khó khăn nhất vẫn là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, vì vậy việc tổ chức, phối hợp với các doanh nghiệp để tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm địa phương là thật sự cần thiết. Bà Hoàng Thị Hạnh khẳng định, muốn giảm nghèo bền vững thì phải tập trung vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực như đào tạo nghề, thúc đẩy liên kết vùng Tây Bắc dựa trên xu thế hội nhập.
 
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tiếp tục rà soát các chính sách, từ đó tham mưu cho Chính phủ ban hành thêm những cơ chế phù hợp với điều kiện vùng miền, trình độ nhận thức của phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc. Cũng theo bà Hạnh, trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo của thôn, bản vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; các nữ đảng viên đã tham gia tích cực học tập, đi đầu và là tấm gương sáng trong việc giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. 
 
Nhờ có việc góp của, góp công của các nữ đảng viên đầu tàu gương mẫu mà các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa đã vượt qua những rào cản của cái đói, cái nghèo vươn lên làm giàu. Đi liền với phong trào lao động sản xuất, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng ngày càng được nhân rộng ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các chi bộ ở cơ sở đã tổ chức nhiều đợt vận động quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng gia đình chính sách trong thôn, trong bản...
 
Để phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững, thiết nghĩ mỗi cán bộ, nữ đảng viên vùng dân tộc, mỗi hội viên phụ nữ tiếp tục chủ động học hỏi, sáng tạo hơn nữa cùng với các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, sản xuất giỏi, thực hành tiết kiệm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất và quê hương của mình.
 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trương Hòa Bình: 

Tạo điều kiện, động viên phụ nữ phát huy năng lực 

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phụ nữ làm kinh tế giỏi. Tạo điều kiện, động viên phụ nữ phát huy thế mạnh của mình trong các hoạt động từ thiện xã hội, y tế, giáo dục, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... 

 

Đồng thời nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức hoạt động các cấp Hội, nhất là ở cơ sở, chú trọng củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá hiệu quả các chương trình, đề án, dự án; nghiên cứu, đề xuất để ban hành mới và kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chính sách đặc thù để giúp phụ nữ phát triển kinh tế. 

 

Thực hiện lồng ghép giới vào các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ hình thành các tổ, nhóm liên kết, hướng đến các mô hình hợp tác xã; tích cực nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả của phụ nữ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, các chương trình dạy nghề gắn với tạo việc làm, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó khuyến khích chị em phụ nữ vùng Tây Bắc phát triển mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, thúc đẩy liên kết vùng tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh sản xuất có giá trị kinh tế cao. 

 

Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Bắc:

 Thay đổi lớn trong tư duy làm kinh tế 

 

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trung bình 26%, nhưng trong những năm qua, phụ nữ vùng Tây Bắc đã có nhiều đột phá trong phong trào làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một sự thay đổi lớn trong tư duy làm kinh tế của chị em miền núi là đã biết phát triển nghề truyền thống gắn với thị trường hàng hóa, đưa sản phẩm của địa phương trở thành sản phẩm du lịch... Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều chị còn giúp đỡ những phụ nữ khác ở địa phương có nghề và thu nhập ổn định, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tây Bắc.

 

Bài và ảnh: Viết Tôn - Trọng Thủy/Báo Tin Tức .vn